Xín Mần 'chuyển mình' làm giàu, từ nương ngô đến vùng dược liệu bạc tỷ

Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, từng là biểu tượng của gian khó, nhất là ở các huyện vùng cao như Xín Mần. Nhưng những năm gần đây, mảnh đất Xín Mần đang chuyển mình từng ngày nhờ vào làn gió mới của chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Trên những triền núi khô cằn, thay vì ngô, sắn manh mún, giờ đây là màu xanh bạt ngàn của dược liệu, chè hữu cơ, cây ăn quả đặc sản... dẫn lối cho những hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững ở Xín Mần.

Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cách trung tâm huyện Xín Mần chừng 15km là xã Nàn Ma – nơi từng là điểm "nóng" về đói nghèo, đất canh tác bạc màu, sản xuất chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp. Nhưng giờ đây, Nàn Ma đã đổi thay rõ rệt.

Những cánh rừng trồng cây đương quy, tam thất, xuyên khung… trải dài mướt mắt. Đứng sau sự đổi thay đó là HTX Nông nghiệp dược liệu Nàn Ma – một trong những HTX tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Chuyển đổi từ cây trồng cũ kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng hàng hóa giúp nông dân, HTX ở Xín Mần giảm nghèo, làm giàu.

Chuyển đổi từ cây trồng cũ kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng hàng hóa giúp nông dân, HTX ở Xín Mần giảm nghèo, làm giàu.

Anh Giàng A Pao, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Trước kia người dân chỉ trồng ngô, sắn, hiệu quả thấp, làm quanh năm cũng không đủ ăn. Từ năm 2019, chúng tôi bắt đầu chuyển sang trồng đương quy và các loại dược liệu khác theo hướng hữu cơ, được hỗ trợ giống, kỹ thuật từ huyện và các chương trình của tỉnh. Mỗi ha dược liệu hiện nay cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm, gấp 5-7 lần trồng ngô.”

HTX hiện có hơn 60 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng. Không chỉ dừng lại ở trồng trọt, HTX còn đầu tư máy sấy, hệ thống sơ chế và liên kết tiêu thụ với các công ty dược phẩm trong và ngoài nước. Chính sự bài bản trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ giúp dược liệu Nàn Ma có chỗ đứng trên thị trường.

Trong khi đó, tại xã Xín Mần, cây chè Shan tuyết cổ thụ vốn có từ lâu đời, nhưng trước đây bà con thường hái bán tươi cho thương lái với giá rẻ. Nhận thấy tiềm năng lớn từ loại cây này, năm 2020, HTX Chè Shan Tuyết Xín Mần được thành lập, tập trung phục hồi, chăm sóc các vùng chè cổ và xây dựng thương hiệu chè sạch.

Đến liên kết để nâng cao giá trị

Ông Vàng Seo Chứ, Giám đốc HTX, cho biết: “Chúng tôi hướng đến sản xuất chè theo quy trình VietGAP, áp dụng máy móc vào chế biến và đóng gói. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và sự liên kết tiêu thụ, sản phẩm chè của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành, xuất khẩu đi Nhật Bản và EU.”

Với hơn 40 hộ dân tham gia, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn chè khô, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt, HTX còn là điểm đến trải nghiệm du lịch cộng đồng, kết hợp giữa tham quan vùng chè cổ thụ với giới thiệu quy trình sản xuất, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.

Không chỉ dừng lại ở dược liệu và chè, nhiều xã như Bản Díu, Tả Nhìu, Nấm Dẩn đang phát triển mạnh cây ăn quả ôn đới như mận hậu, lê xanh, đào phai… Đây là những loại cây phù hợp với khí hậu, đất đai vùng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX Nông nghiệp tổng hợp Tả Nhìu là một trong những đơn vị đi đầu với mô hình trồng mận hậu xen canh cỏ ngọt và rau trái vụ. Đại diện HTX cho biết mô hình này không chỉ giúp bà con “được mùa, được giá” mà còn nâng cao ý thức sản xuất sạch, an toàn.

“Từ năm 2022, chúng tôi bắt đầu chuyển 20 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng mận và lê. Đến nay, thu nhập bình quân mỗi ha đạt từ 120-150 triệu đồng/năm. Chúng tôi đang từng bước hoàn thiện chỉ dẫn địa lý cho mận Tả Nhìu, để tiến tới xây dựng thương hiệu riêng”, đại diện HTX Tả Nhìu chia sẻ.

HTX còn liên kết với các HTX vận tải và sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm qua hình thức đặt hàng online – một bước tiến mới trong tiêu thụ nông sản vùng cao.

Sự ra đời của các HTX là một trong những điểm tựa trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo ở Xín Mần.

Sự ra đời của các HTX là một trong những điểm tựa trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo ở Xín Mần.

Sự chuyển mình của Xín Mần không thể thiếu vai trò từ cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Giang và chính quyền địa phương. Từ các chương trình 135, 30a, đến nguồn vốn hỗ trợ sản xuất liên kết chuỗi, xây dựng nông thôn mới, người dân được hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đào tạo kỹ thuật và kết nối thị trường.

Đặc biệt, sự phát triển của các HTX có sự hiện diện đầy ấn tượng, với nhiều chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang trong quá trình hoàn thiện sản xuất, kết nối thị trường, đào tạo nhân lực...

Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Hà Giang và chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập, củng cố và phát triển nhiều mô hình HTX sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực trồng dược liệu, chè Shan tuyết, cây ăn quả. Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lập kế hoạch sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ cho các HTX.

Hướng tới sản xuất xanh và bền vững

Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Hà Giang cũng đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị như máy sấy dược liệu, máy sao chè, máy đóng gói sản phẩm, thiết bị chế biến nông sản thô nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực sản xuất của HTX. Điểm sáng là việc hỗ trợ sơ chế dược liệu cho HTX Nàn Ma, giúp HTX đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ một số HTX đăng ký sản phẩm OCOP, xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa và bao bì sản phẩm để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh. Hướng dẫn các HTX xây dựng gian hàng số, tiếp cận sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee… Ví dụ sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Xín Mần và dược liệu của HTX Nàn Ma đều đang được hỗ trợ hướng tới đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.

Ngoài chính sách, tinh thần vươn lên, dám nghĩ dám làm của người dân, nhất là thế hệ trẻ cũng là yếu tố then chốt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Xín Mần không chỉ đơn thuần là thay cây trồng mới, mà còn là sự thay đổi tư duy sản xuất – từ manh mún, tự phát sang liên kết, chuyên nghiệp, có định hướng thị trường. Nhiều HTX đang tiếp cận các tiêu chuẩn sản xuất xanh như hữu cơ, VietGAP, tiến tới truy xuất nguồn gốc và xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Tuy vậy, con đường phát triển vẫn còn nhiều thử thách như hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khâu chế biến sâu và thương hiệu sản phẩm còn yếu, trình độ quản lý HTX còn chênh lệch… Nhưng điều đáng mừng là “lửa” đã được nhóm lên từ chính bàn tay người dân nơi đây.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/xin-man-chuyen-minh-lam-giau-tu-nuong-ngo-den-vung-duoc-lieu-bac-ty-1106559.html
Zalo