Việt Nam xếp thứ 4 toàn cầu về nhập khẩu bao bì giấy
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, năm 2024 tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu đối với bao bì giấy đạt 18,2 tỉ USD, Việt Nam đứng thứ tư về giá trị nhập khẩu bao bì giấy với kim ngạch 2,2 tỉ USD.
Chiều ngày 7-5, Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) tổ chức hội nghị thường niên Doanh nghiệp bao bì Việt Nam năm 2025 và lễ trao giải thưởng Bao bì Việt Nam năm 2025.
Không gian trưng bày tác phẩm đạt giải thưởng Bao bì Việt Nam năm 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch VINPAS, cho biết năm 2024 ngành bao bì Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kết quả khảo sát năm 2024 cho thấy 46,15% doanh nghiệp bao bì đạt mức tăng trưởng từ 5% - 10%, và 46% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ở mức 5% - 10%.
Năm 2024 cũng ghi nhận những biến động đáng kể trên thị trường toàn cầu về nhu cầu nhập khẩu các loại bao bì. Trong đó, phân khúc nhãn hàng có xu hướng tăng trưởng cao về giá trị.
Cụ thể, năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu bao bì nhựa mềm trên toàn cầu đạt 9,542 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm 2023.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 33,5%. Việt Nam đứng vị trí thứ tư trong số các quốc gia nhập khẩu bao bì nhựa mềm, tăng trưởng 30,5%, chiếm 5% tổng giá trị toàn cầu.
Đối với bao bì giấy, tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu năm 2024 đạt 18,2 tỉ USD, tăng 105,5% so với năm 2023. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 5,7 tỉ USD, chiếm 31,2% thị phần toàn cầu. Riêng Việt Nam đứng thứ tư về giá trị nhập khẩu bao bì giấy, chiếm 11,9% thị phần toàn cầu với kim ngạch 2,2 tỉ USD.
Tương tự, đối với nhãn hàng, tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu năm 2024 đạt 33,489 tỉ USD, tăng 97% so với năm 2023. Dẫn đầu là Brazil, Hoa Kỳ thứ hai và Việt Nam vị trí thứ ba toàn cầu với kim ngạch nhập khẩu đạt 3,3 tỉ USD.

Lãnh đạo Hiệp hội Bao bì Việt Nam chia sẻ thông tin tại hội nghị. Ảnh: TÚ UYÊN
Về xuất khẩu, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu bao bì và nhãn hàng đạt 7,636 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023.
Các loại bao bì và nhãn hàng của Việt Nam được xuất khẩu nhiều sang những thị trường như Mỹ, Indonesia, Ấn Độ, Nga, Philippines… Qua đó, cho thấy tiềm năng của bao bì và nhãn hàng còn nhiều.
“Nhìn chung, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định” - ông Sang nói.
Tuy nhiên, ông Sang cho rằng bước sang năm 2025, ngành bao bì Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức mới từ các chính sách thuế quan của Mỹ.
“Điều này nhắc nhở chỉ có nâng cao năng lực nội sinh mới giúp doanh nghiệp Việt Nam ứng phó hiệu quả với một thế giới luôn biến động”-ông Sang nói.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VINPAS là kết nối doanh nghiệp với thị trường, trong đó cung cấp số liệu ngành để hội viên tham chiếu.
Nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện cho cấp quản lý.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ chuyển đổi xanh, phát triển bao bì bền vững, qua đó nâng cao chất lượng và tầm ảnh hưởng của bao bì Việt Nam trên thị trường” - ông Sang nhấn mạnh.
Giải thưởng Bao bì Việt Nam năm 2025 nhằm tôn vinh các thiết kế nhãn hàng xuất sắc từ các công ty sản xuất, in ấn tem nhãn, bao bì. Đặc biệt biểu dương các thiết kế bao bì sáng tạo của thế hệ trẻ đam mê ngành này.
Giải thưởng có hai hạng mục chính: “Giải thưởng Bao bì Việt Nam - Nhãn hàng 2025” dành cho doanh nghiệp sản xuất nhãn hàng và “Giải thưởng Bao bì TRẺ 2025” dành cho các nhà thiết kế trẻ và sinh viên.
Năm nay, giải thưởng còn có thêm hai giải đặc biệt từ Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.