Xem xét bỏ quy định về công bố hợp quy
Cho rằng quy định về công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa là một khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và tạo gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước, các đại biểu Quốc hội đề nghị, xem xét bỏ quy định này.
Sáng 10.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, có ý kiến đề nghị cân nhắc khi đồng thời quy định về thủ tục công bố, chứng nhận hợp quy và thủ tục cấp Giấy phép lưu hành hoặc số đăng ký đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật chuyên ngành.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 26a); đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy và thể hiện như tại Điều 69a dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục công bố hợp quy theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, tại Điều 48 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới (Điều 57 dự thảo Luật). Việc quy định như vậy không làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.
Công bố hợp quy - gánh nặng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Dành sự quan tâm đến quy định về công bố hợp quy, các ĐBQH cho rằng, đây thật sự là một khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và tạo gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước.
Theo ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau), tồn tại quy định về công bố hợp quy cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Bài học từ vụ việc sữa giả kém chất lượng vừa qua là điển hình của việc lơ là trong công tác “hậu kiểm”.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cho rằng quy định này là chưa tương thích với thông lệ quốc tế, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phân tích, việc quy định công bố hợp quy khiến Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia còn áp dụng quy định này, trong khi đó, pháp luật của các nước là đối tác thương mại lớn cũng không quy định.
Điều này không chỉ đi ngược lại với thông lệ quốc tế mà còn có nguy cơ khiến các đối tác thương mại nhìn nhận đây là hành động phi thuế quan, không hợp lý, không có cơ sở khoa học, gây khó khăn cho Việt Nam trong mở rộng thị trường.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Ngoài ra, còn tạo gánh nặng về chi phí, thời gian, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh quý báu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Thực tế cho thấy, để thực hiện công bố hợp quy, doanh nghiệp phải tốn kém không ít chi phí cho việc kiểm nghiệm mẫu, chưa kể tới thời gian chờ đợi để được đăng ký, tiếp nhận và công bố”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết.
Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nêu rõ, hiện nay có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá, làm rõ tác động của quy định này đến việc quản lý và họ đều có chung kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy.
Cùng với đó, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, không có quốc gia nào trên thế giới áp dụng quy định công bố hợp quy. "Quy định về công bố hợp quy hiện nay chỉ mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết".

ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Hơn nữa, theo đại biểu, những quy định công bố hợp quy hiện nay chỉ tập trung vào kiểm soát các hoạt động đơn lẻ, thông qua một mẫu mà doanh nghiệp mang đến kiểm nghiệm, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có thể đối phó bằng cách làm mẫu tốt để mang đi kiểm nghiệm nhưng sản xuất đại trà lại không tốt.
"Đây là kẽ hở để một bộ phận doanh nghiệp gian dối đưa ra thị trường hàng hóa có chất lượng dưới chuẩn công bố".
Do đó, các đại biểu đề nghị xem xét bãi bỏ quy định công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa tại Điều 48 dự thảo Luật, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp và có tính cạnh tranh cao.
Về cơ chế xử lý xung đột giữa tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, cần bổ sung một điều khoản quy định cơ chế kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với tiêu chuẩn cơ sở đã công bố, do Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc cơ quan quản lý địa phương chủ trì.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cùng với đó, cho phép tổ chức, cá nhân có quyền kiến nghị xác minh tính hợp pháp của tiêu chuẩn cơ sở trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn với quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng quy trình xử lý mâu thuẫn, trong đó quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được ưu tiên, và tiêu chuẩn cơ sở phải được thu hồi, sửa đổi hoặc đình chỉ áp dụng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản nhất trí với nội dung giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Các đại biểu cũng đóng góp thêm ý kiến liên quan đến các vấn đề về: áp dụng pháp luật; công bố hợp quy; chi phí cơ hội; bổ sung quy định nội dung về cơ chế khai thác, vận hành, chia sẻ dữ liệu, bảo mật và phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm nguồn lực, điều kiện trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, phát huy vai trò của các hiệp hội; những sản phẩm chưa có quy chuẩn quốc gia...
“Những ý kiến thảo luận sâu sát, tâm huyết, có trách nhiệm của các ĐBQH là cơ sở để cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp”.
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.