Nghị quyết 57: 'Luồng gió mới' cho nông nghiệp
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu và ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức cấp bách, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được xem là 'kim chỉ nam' để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

Toàn cảnh hội nghị
Ngày 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Vai trò then chốt của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã nêu bật tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, nghị quyết này được ban hành vào thời điểm chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, không còn là một khái niệm mới mẻ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trích dẫn: “Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc"”.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Nghị quyết 57-NQ/TW mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tài nguyên suy giảm nhanh chóng và áp lực lớn từ yêu cầu tăng trưởng xanh, giảm phát thải.
Ông Đỗ Đức Duy chỉ rõ, các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, vốn phụ thuộc vào lao động thủ công và tiêu thụ lớn vật tư đầu vào, đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Thay vào đó, các xu hướng tiên tiến như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở nên vô cùng cấp thiết.
"Muốn thay đổi cục diện, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hiện tại và tương lai, chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận, đặt khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng cho sự phát triển", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã chủ động triển khai nhiều nỗ lực và sáng kiến ứng dụng công nghệ, từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến giám sát môi trường bằng cảm biến, xây dựng bản đồ số và cơ sở dữ liệu về đất đai, rừng và khí tượng.
Nút thắt thể chế kìm hãm khoa học nông nghiệp
Mặc dù Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ghi nhận những chuyển biến tích cực, song để đạt được sự "đột phá, phát triển" theo tinh thần Nghị quyết 57, ngành khoa học công nghệ nông nghiệp và môi trường vẫn đối diện với nhiều thách thức lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, nhiều công trình nghiên cứu khoa học hiện nay chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, tình trạng nghiên cứu xong khó hoặc không thể thương mại hóa, ứng dụng vào thực tiễn đời sống đang là một thách thức không nhỏ.

Để khoa học nông nghiệp "cất cánh" cần tháo gỡ những "điểm nghẽn"
Theo TS. Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), một trong những nút thắt chính là sự trì trệ trong đổi mới thể chế, đặc biệt ở cơ chế trọng dụng nhân tài. Hiện tại, hành lang pháp lý chưa đủ thông thoáng để thu hút, giữ chân các nhà khoa học trình độ cao, yếu tố then chốt để xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, nền tảng cho mọi đột phá.
"Dù sở hữu lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu và hơn 16.000 ha đất, hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc thiếu các chính sách đãi ngộ cụ thể, cạnh tranh và khuyến khích sáng tạo", TS. Nguyễn Văn Long cho biết.
Một bất cập khác nằm ở sự phân bổ nguồn lực chưa hợp lý. Trong khi ngân sách địa phương có thể dành tới 2% tổng chi cho khoa học công nghệ nhưng lại thiếu nhân lực triển khai, thì ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều chuyên gia đầu ngành, lại thiếu kinh phí nghiên cứu.
Đáng chú ý, phần lớn kinh phí khoa học công nghệ (khoảng 54%) lại "bị giữ lại" cho bộ máy hành chính, lương thưởng, thay vì đầu tư trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu. Điều này làm suy yếu nghiêm trọng khả năng tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị ứng dụng và thương mại.
Theo TS. Nguyễn Văn Long, thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài cũng là một rào cản lớn. Nhiều đề tài khoa học phải mất 5-6 năm từ khi đề xuất đến khi triển khai, khiến kết quả nghiên cứu trở nên lạc hậu. Điều này làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ vào sản xuất và gây lãng phí nguồn lực.
Thực tế cho thấy, tiềm năng của ngành là không nhỏ, nhưng tư duy quản lý "bình cũ rượu mới" và sự thiếu tự chủ thực chất về tài chính, nhiệm vụ, nhân sự của các tổ chức khoa học công nghệ đang kìm hãm sự phát triển. Trong khi doanh nghiệp có thể chủ động vay vốn đầu tư nghiên cứu, các tổ chức khoa học lại bị "trói chân" bởi các quy định hành chính.
"Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh các quốc gia phát triển đang tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, thì tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, số lượng các nhóm nghiên cứu mạnh còn rất hạn chế. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng về số lượng giáo sư, phó giáo sư và nhà khoa học đầu ngành đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm từ năm 2024 đến nay", TS. Nguyễn Văn Long cho hay.
Ưu tiên đầu tư công nghệ sinh học, gen cho nông nghiệp
Ông Đỗ Đức Duy cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt.
Bộ cũng sẽ xác định và tập trung đầu tư vào những lĩnh vực khoa học công nghệ có tiềm năng lớn, như công nghệ sinh học và công nghệ gen, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và môi trường.
Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập sẽ được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sức cạnh tranh và lan tỏa tri thức ra thị trường. Cơ chế giao nhiệm vụ khoa học cũng sẽ chuyển sang đặt hàng và đấu thầu, gắn chặt hơn với thực tiễn sản xuất và hướng đến thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số cũng được đặc biệt chú trọng, với sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt từ khu vực tư nhân, tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng của ngành sẽ được ưu tiên.
Cuối cùng, việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, từ hoạch định chính sách, điều hành đến sản xuất và tiêu thụ, được xem là yếu tố then chốt để dữ liệu số, công nghệ số và kinh tế số thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới.