Hành trình trưởng thành của doanh nghiệp cùng thị trường vốn

Sau 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vận hành, sự nâng đỡ từ dòng vốn dài hạn đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nội địa nhanh chóng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi của bức tranh vĩ mô, thị trường vốn cũng cần phải đổi mới toàn diện, hướng tới mục tiêu thu hút dòng vốn toàn xã hội nói chung.

Trong dài hạn, thị trường vốn có hai yếu tố cần cải thiện là cần mở rộng các sản phẩm phái sinh và phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế - Photo: Lê Vũ

Trong dài hạn, thị trường vốn có hai yếu tố cần cải thiện là cần mở rộng các sản phẩm phái sinh và phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế - Photo: Lê Vũ

Trợ lực vốn ngoại: không thể thiếu

Có nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt “lớn nhanh” sau khi tận dụng được dòng vốn từ thời kỳ mở cửa, một trong số đó như Công ty cổ phần thép Hòa Phát. Năm 2007, VOF, một quỹ đầu tư của VinaCapital, đã đầu tư 47 triệu đô la Mỹ (tương đương 5% giá trị vốn hóa khi đó) như một khoản đầu tư cổ phần tư nhân, tài trợ xây dựng khu liên hợp sản xuất thép tích hợp tại Hải Dương với tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm thép xây dựng.

Tính đến cuối năm 2024, công suất thép đã lên mức 8,5 triệu tấn/năm. Giá trị vốn hóa của Hòa Phát thép lên sàn vào năm 2007 đã tăng 13,6 lần, doanh thu tăng 25,6 lần so với 17 năm trước.

Có thể thấy, những khoản đầu tư ban đầu của dòng vốn cổ phần tư nhân đã giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình mở rộng thị phần. Sau đó là những cuộc thâu tóm sáp nhập khi thị trường có lúc lên, lúc xuống. Trong suốt một thập kỷ qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm, theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Nguồn: VinaCapital

Nguồn: VinaCapital

Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750.000 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014. Giai đoạn vừa qua cũng ghi nhận sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản. Những quý này đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư. Trong đó, quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch.

Thế nhưng bối cảnh ngày nay đang có những vấn đề mới khi vốn ngoại suy giảm, đồng thời số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới có chất lượng cũng đang ngày càng ít đi. Theo số liệu của VinaCapital, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường chứng khoán vào thời điểm tháng 12-2020 là 19,18%, thì đến cuối tháng 2-2025 chỉ còn 15,96%, trong khi trung bình của các nước trong khu vực là 27,5%.

Con số này cho thấy bức tranh đóng góp của khối ngoại vào thị trường vốn của Việt Nam đang suy giảm. Lý giải chung từ phía các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy có hai lý do chính dẫn đến việc này. Đó là, thiếu các thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và thiếu các quy định pháp lý liên quan.

“Việt Nam đang là điểm đến đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế nhưng việc thu hút nguồn vốn qua quỹ hay trực tiếp nước ngoài vẫn còn khó khăn”, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đánh giá tại một hội nghị do Bộ tài chính tổ chức gần đây. Có nhiều vấn đề được nêu lên, bao gồm thị trường vẫn còn thiếu sự đa dạng về sản phẩm và công cụ phòng ngừa rủi ro.

Cần nâng cấp thị trường toàn diện

Theo các nhà quản lý quỹ, bức tranh hiện tại là thiếu hụt “sân chơi” cho nhà đầu tư ngoại, trong đó có các quy định pháp lý và cả hàng hóa dù cơ quan quản lý trong thời gian qua nỗ lực khơi thông thị trường vốn.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập, Tập đoàn VinaCapital, cho rằng để khuyến khích ngành quỹ phát triển, cần có quy định khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Bên cạnh các vấn đề được nói thường xuyên như nâng hạng thị trường, giáo dục kiến thức, cần có nhiều các sản phẩm hơn, bao gồm các quy định pháp lý lẫn các hàng hóa. “Chúng ta cần nhiều thương vụ IPO và sản phẩm hơn để các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư nói chung có thể đầu tư”, ông Don Lam nói.

Vấn đề thứ hai được giới quản lý quỹ nhắc đến là nguồn vốn phải được huy động một cách dễ dàng hơn và nhiều hơn. Dòng vốn xã hội được nhắc đến nhiều lần như sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện. Thống kê của VinaCapital cho thấy, tổng tài sản các quỹ hưu trí tự nguyện trên GDP của Thái Lan là 5%, Malaysia là 13% trong khi Việt Nam là 0%. Mặt khác, Việt Nam cũng nên có các loại hình quỹ đầu tư khác nhau như quỹ đầu tư quốc gia, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ ETF chiến lược và quỹ phát triển xanh (Quỹ ESG).

Một ví dụ khác về tìm kiếm vốn ngoại là Công ty TNHH Quản lý Tài sản CSOP ở Hồng Kông với tổng tài sản quản lý cuối năm 2024 khoảng 20 tỉ đô la Mỹ. Đây là con “offshore” đầu tiên của một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất của Trung Quốc.

Các sản phẩm ETF đã giúp hấp thụ nguồn vốn từ nhà đầu tư quốc tế chảy về Trung Quốc thông qua thị trường tài chính Hồng Kông. Các nhà đầu tư toàn cầu có cơ sở đa dạng, trải dài trên các khu vực như châu Á Thái Bình Dương, Mỹ cho đến châu Âu; và đa dạng loại hình như quỹ đầu tư quốc gia, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý tài sản, doanh nghiệp gia đình, nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao cùng nhiều đối tượng khác.

Bài học khác là sản phẩm có thể được tạo ra từ những dự án công. Điển hình như dự án Đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, huy động đa dạng với vốn nhà nước (56,27% cổ phần) và còn lại là phần vốn từ xã hội (thông qua quỹ của Công ty quản lý tài sản Ping An và Quỹ an sinh xã hội Trung Quốc). Đến năm 2020, dự án này hoàn thành IPO, trở thành nhà khai thác đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

“Một số lượng nhất định các công ty niêm yết chất lượng cao là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của thị trường vốn và là con đường tất yếu cho sự phát triển kinh tế ở một giai đoạn nhất định”, bà Bà Chen Ding, Tổng Giám đốc, Công ty Quản lý quỹ CSOP tại Hồng Kông đánh giá.

Trong dài hạn, thị trường vốn có hai yếu tố cần cải thiện là cần mở rộng các sản phẩm phái sinh, phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế, theo ông Albert Kwang-Chin Ting, Chủ tịch Công ty Chứng khoán và Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng. Một trong những giải pháp mà vị này nói đến là tăng hạn mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ngoại.

Dẫn lại ví dụ từ bài học của TSMC, nhà sản xuất bán dẫn của Đài Loan có vốn hóa thị trường lớn nhất châu Á. Sau khi cơ quan quản lý dỡ bỏ các hạn chế dành cho nhà đầu tư nước ngoài, TSMC đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư quốc tế, dẫn đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài chiếm 72,69% cổ phần của công ty. Dòng vốn đầu tư nước ngoài này đóng vai trò then chốt giúp TSMC vươn lên trở thành một tập đoàn hàng đầu thế giới, chiếm 65% thị phần toàn cầu, là nhà sản xuất chip cho Apple, Nvidia, Broadcom AMD và các công ty khác.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang có bước cải thiện toàn diện, minh chứng cụ thể nhất là việc nâng hạng thị trường. “Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 9-2025 của FTSE Russell. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam vẫn cam kết thực hiện các cải cách cần thiết, bao gồm nâng cấp nền tảng giao dịch. Điều này cho thấy khả năng cao Việt Nam sẽ đáp ứng các tiêu chí và được nâng hạng thành công”, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mayabank đánh giá sau báo cáo tháng tư của FTSE Russell.

Gia Hưng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hanh-trinh-truong-thanh-cua-doanh-nghiep-cung-thi-truong-von/
Zalo