Xây hành lang pháp lý để 'quản' hàng xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử đòi hỏi cơ chế chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi phù hợp với thực tiễn, nhất là thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
![Công chức Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Châu Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_578_51499845/78e8ae9083de6a8033cf.jpg)
Công chức Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Châu Anh.
Đề xuất một số trường hợp được miễn giấy phép
Sau một thời gian dài chuẩn bị và có nhiều cuộc họp trao đổi, đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện và gửi lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý riêng, đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về chính sách quản lý, thủ tục hải quan điện tử tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử; đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính; góp phần phát triển thương mại điện tử.
Nghị định đưa ra những quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử như kiểm tra, quản lý chuyên ngành, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Dự thảo Nghị định đề xuất trường hợp miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn giấy phép, miễn điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Tổng cục Hải quan tính toán 2 phương án miễn.
Một là áp dụng cho hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo quyết định của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Hai là hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2.000.000 đồng Việt Nam trở xuống hoặc trên 2.000.000 đồng Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng hóa thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu) được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng không quá 4 lần/năm, đồng thời tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân.
Các trường hợp miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành nói trên không áp dụng trong trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành.
Dự thảo cũng nghiêm cấm việc cá nhân, tổ chức thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của tổ chức, cá nhân mua hàng qua giao dịch thương mại điện tử.
Đồng bộ cả các giải pháp quản lý khác
Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cơ quan hải quan luôn tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch thương mại điện tử dựa trên nguyên tắc tuân thủ các thông lệ quốc tế cũng như các công ước về quản lý đối với hàng hóa vận chuyển, bưu chính chuyển phát nhanh, tuân thủ các tiêu chuẩn miễn thuế, các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách để đảm bảo các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua, bán nhanh chóng, cũng như là bảo hộ nền sản xuất trong nước. Cùng với việc xây dựng dự thảo Nghị định riêng về quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử, ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh đặt ra yêu cầu Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo về về an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước đã ký kết.
Về dự thảo Nghị định, vị này cho rằng, rất cần đồng bộ thông tin để đảm bảo quản lý tập trung bao gồm cả thông tin người bán, người mua, những hàng hóa, thành phẩm có liên quan, giúp cho tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng cho đến cơ quan quản lý nhà nước đều theo dõi một cách toàn trình cũng như là đồng bộ hóa về các chính sách, thủ tục.
Với bản dự thảo này, cơ quan hải quan kỳ vọng có thể nâng cao hiệu quả quản lý trong quá trình làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, song vẫn đảm bảo tạo thuận lợi thương mại.
Trong quá trình thu thập ý kiến đóng góp, ngành Hải quan sẽ tiếp tục rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo làm sao các quy định sau khi ban hành vẫn tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua bán nhanh chóng, các sàn giao dịch thương mại điện tử có các điều kiện được phát triển ở Việt Nam nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Một số đối tượng chịu tác động của dự thảo ghị định
Các chủ sàn thương mại điện tử; doanh nghiệp vận chuyển; đại lý làm thủ tục hải quan; chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; chủ các kho ngoại quan; doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh; doanh nghiệp kinh doanh địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh; tổ chức tín dụng, ngân hàng…