Điểm nhấn trong kế hoạch hành động của Trung Quốc để ổn định đầu tư nước ngoài
Ngày 19/2, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động mới nhằm ổn định đầu tư nước ngoài, với 20 biện pháp cụ thể ở 4 khía cạnh.

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp máy bay tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Bộ Thương mại (MOFCOM) và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc là các bên đã vạch ra nội dung kế hoạch hành động này.
Kế hoạch hành động hướng đến khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vốn cổ phần vào Trung Quốc, đồng thời hướng dòng vốn nước ngoài chất lượng cao vào đầu tư dài hạn ở các công ty niêm yết công khai của Trung Quốc. Đầu tư vốn cổ phần là việc đầu tư vào một công ty qua kênh mua cổ phiếu của công ty đó trên thị trường chứng khoán.
Tờ Global Times (Trung Quốc) đưa tin, theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cho phép các công ty đầu tư nước ngoài sử dụng khoản vay trong nước cho đầu tư vốn cổ phần bằng cách loại bỏ các hạn chế, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia thành lập công ty đầu tư, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua bán và sáp nhập tại Trung Quốc
Theo một số chuyên gia, các biện pháp này sẽ mở rộng kênh đầu tư nước ngoài, tăng tính linh hoạt và hỗ trợ đầu tư quy mô lớn hơn vào Trung Quốc.
Giáo sư Xi Junyang tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải đánh giá rằng việc nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài tương thích với nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm thúc đẩy mở cửa ở cấp độ cao. Ông Xi Junyang lưu ý các biện pháp liên quan đến đầu tư vốn cổ phần tại Trung Quốc mang lại tiềm năng chưa được khai thác đáng kể.
Ông giải thích: "So với các phương pháp đầu tư truyền thống, chẳng hạn như thành lập liên doanh tại Trung Quốc, đầu tư vốn cổ phần mang lại tính linh hoạt cao hơn, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia toàn diện hơn và ở quy mô lớn hơn vào nền kinh tế Trung Quốc".

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 19/2, mặc dù các quỹ phòng hộ đã tăng lượng cổ phiếu Trung Quốc họ nắm giữ lên mức cao nhất trong một năm, nhưng mức hiện tại vẫn tương đối thấp so với ghi nhận trong lịch sử. Các chuyên gia tin rằng vẫn còn nhiều dư địa để đầu tư nước ngoài tăng trưởng, đặc biệt là khi lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ và các cơ hội đầu tư mới xuất hiện.
Để mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài, kế hoạch hành động mới cũng kêu gọi phát triển các chương trình thí điểm trong lĩnh vực như viễn thông, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đồng thời tăng phạm vi các ngành công nghiệp đủ điều kiện cho đầu tư nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đã xuất hiện dấu hiệu cải thiện. Theo dữ liệu của MOFCOM, vào tháng 1, mức sử dụng thực tế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đạt 97,59 tỷ nhân dân tệ (13,4 tỷ USD), giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 27,5% so với tháng 12/2024.
Trong khi đó, mức sử dụng thực tế của FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao đạt tổng cộng 12,24 tỷ nhân dân tệ, chiếm 12,5% tổng FDI, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2024. Về nguồn vốn đầu tư, FDI từ Anh tăng vọt 324,4% và từ Hàn Quốc tăng vọt 104,3%.