Xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện
Sau hơn nửa năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 22-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, từ tỉnh đến cơ sở đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các hoạt động.
Không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Nghị quyết 12 còn tạo cơ chế, động lực mới trên hành trình phát triển bền vững của Biên Hòa - Đồng Nai. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa cũng là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
Thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, toàn tỉnh hiện có hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông, 71 di tích xếp hạng. Với nỗ lực bảo tồn di sản mà vẫn giữ được hồn cốt với vẻ riêng biệt, đặc sắc trong sự phát triển đa dạng của đô thị, thời gian qua Đồng Nai đã chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích.
Hàng chục di tích đã được đầu tư khang trang, như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, huyện Vĩnh Cửu; Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1, huyện Trảng Bom; Thành cổ Biên Hòa, Nhà lao Tân Hiệp, Nhà xanh (thành phố Biên Hòa)... bằng nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, thực hiện Kế hoạch số 80-KH/UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, trong năm 2024 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028. Theo lộ trình này, có 13 di tích quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Trong đó, vốn đầu tư công là 146 tỷ đồng; nguồn sự nghiệp 84,5 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa 101 tỷ đồng. Riêng với các di tích nếu phát sinh các nguyên nhân gây xuống cấp, các sở ngành, đơn vị, địa phương được phân cấp quản lý có thể linh hoạt đưa vào kế hoạch tu sửa cấp thiết theo đúng quy định.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tham mưu trùng tu, tôn tạo, bảo quản, tu bổ các di tích như: Lăng mộ Trịnh Hoài Đức; Văn miếu Trấn Biên; Nhà hội Bình Trước; Mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội (thành phố Biên Hòa); Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (huyện Tân Phú). Bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thiếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ, cửa võng tại di tích Đình Bình Thiền, Đình Phước Thiền; tu sửa cấp thiết di tích Quảng trường Sông Phố.
Tuy nhiên, với số lượng di tích khá lớn, hiện nay nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang xuống cấp, cần được khẩn trương trùng tu, tôn tạo. Trong đó có di tích Địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia (huyện Cẩm Mỹ); Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú); Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Đình Tân Lân, Khu mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội (thành phố Biên Hòa)…
Việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương được tỉnh quan tâm. Công tác sưu tầm và biên soạn dữ liệu phi vật thể với các đề tài như: Phong tục, tập quán người Hoa ở Biên Hòa; phục hồi và ổn định gốm men xanh đồng trổ bông; di sản văn hóa làng tộc người Mạ ở Tà Lài... chú trọng. Đặc biệt, ngành văn hóa đã lập hồ sơ Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ hội Sayangva; lễ hội Tả tài phán; lễ Yang Bơnơm; lễ hội chùa Ông, lễ hội làm chay…
Nghị quyết 12 và Kế hoạch số 80-KH/UBND tỉnh về triển khai thực hiện nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, từng bước nâng mức đầu tư cho văn hóa đạt 3,5 tổng chi ngân sách; đến năm 2030 nâng mức chi tối thiểu cho văn hóa đạt 4%. Đây là cơ sở quan trọng để Đồng Nai thực hiện đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa nhất là ở cấp cơ sở. Các địa phương trong tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các cơ sở, thiết chế văn hóa thể thao phục vụ nhân dân, mở rộng không gian, địa điểm và số lượng người dân đến với các hoạt động văn hóa, thể thao.
Nổi bật có thành phố Biên Hòa thời gian qua đã cải tạo các không gian văn hóa công cộng, các thiết chế văn hóa… tạo sân chơi cho người dân và du khách tham quan. Cụ thể như tổ chức hội sách, các tuần lễ văn hóa tại Công viên Biên Hùng, Công viên Dương Tử Giang, Công viên Nguyễn Văn Trị. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai; không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa tại đường Phan Trung…
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, thành phố Biên Hòa đã trải qua hơn 325 năm hình thành và phát triển, mang theo những câu chuyện về lịch sử, văn hóa sống động từ thời khai hoang mở cõi, gắn liền với các danh nhân, các làng nghề nổi tiếng, chùa, đình, miếu cổ…
Theo thời gian, những giá trị lịch sử, văn hóa cùng với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo nên một thành phố vừa sôi động với công nghiệp hiện đại, vừa sâu lắng bởi những bản sắc của vùng đất dung nạp nhiều luồng văn hóa, tôn giáo trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập.
“Các không gian văn hóa công cộng và các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố đã và đang hoạt động sôi nổi, trở nên quen thuộc, gần gũi hơn khi tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để cộng đồng cùng tham gia. Nhiều người dân, nhất là những người trẻ thích thú với những nét mới được tạo nên ở các không gian này. Bởi các hoạt động đó đang ngày càng tạo điểm nhấn cho đô thị, mang tới những lợi ích cho cộng đồng, tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật, xây dựng không gian xanh, bảo vệ môi trường sống” - ông Thanh nói.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập, hiện nay trên địa bàn thành phố có 3 công viên (đang trong quy trình đặt tên công viên) gồm: Công viên Bia chiến thắng Long Khánh, phường Xuân An; Công viên Xuân Trung, phường Xuân Trung và Công viên Vườn Dầu, phường Xuân Hòa. Trong năm 2024, Long Khánh đề xuất chọn Công viên Vườn Dầu để tổ chức thí điểm xây dựng không gian văn hóa và công viên văn hóa. Bởi đây là công viên nằm ở khu vực trung tâm. Hiện đây là công viên có lượng người tham gia sinh hoạt, vui chơi giải trí đông tại thành phố.
Ông Tăng Quốc Lập chia sẻ: “Việc cải tạo, nâng cấp Công viên Vườn Dầu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa tôn vinh giai cấp công nhân Đồng Nai tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát vị trí, tính toán quy mô, diện tích phù hợp (đảm bảo đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch phân khu của thành phố Biên Hòa).
Vẫn còn nhiều khó khăn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn và hạn chế. Đặc biệt là đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao của người dân, nhất là đối tượng công nhân lao động.
Theo Phòng Văn hóa, thông tin huyện Định Quán, đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Định Quán việc kêu gọi xã hội hóa thiết chế văn hóa còn gặp những khó khăn. Trong đó, các nhà đầu tư vào các thiết chế văn hóa chủ yếu là hộ kinh doanh quy mô nhỏ nên muốn thủ tục nhanh gọn bằng hình thức thuê; ngại thực hiện các bước thủ tục về đầu tư; có một số nhà đầu tư đã thực hiện xong thủ tục nhưng lại xin rút vì thiếu vốn, không yên tâm đầu tư vì sợ thu hồi vốn chậm. Việc liên doanh liên kết để tư nhân vào đầu tư các hạng mục trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gặp vướng mắc bởi Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai cho rằng, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai luôn ở nhịp độ cao, tạo sự chuyển đổi nhanh chóng, toàn diện trong cuộc sống. Điều này đã tác động nhiều đến hệ giá trị văn hóa truyền thống tạo sự thay đổi nhanh, nhiều giá trị mới được hình thành phát triển phù hợp với xu thế chung nhưng cũng có nhiều giá trị bị tổn thương, biến mất. Công tác xây dựng văn hóa, văn hóa ở Đồng Nai hiện cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp có xu hướng biến đổi, xuống cấp; tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình...
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, trong kỷ nguyên của khoa học, công nghệ, hội nhập sâu rộng, văn hóa, con người Đồng Nai đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Đồng Nai phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Đồng Nai.
Từ đó khơi dậy khát vọng phát triển, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa Đồng Nai trở thành một tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong khu vực và cả nước.
“Tôi tin rằng, với truyền thống cách mạng vùng đất Đồng Nai “gian lao mà anh dũng”; sự đoàn kết, thống nhất của các dân tộc; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và chỉ có như vậy thì Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mới thật sự có ý nghĩa thiết thực và thành công tốt đẹp” - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Toàn tỉnh hiện có 11 Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao, đạt tỷ lệ 100%; 138/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 81,2%; 865/932 ấp, khu phố có nhà văn hóa, đạt 92,8%.