Trồng đậu rồng nhẹ công chăm sóc, cho thu nhập cao

Đậu rồng được xem là loại rau sạch vì khi trồng không cần sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, cây vẫn phát triển xanh tốt, cho trái quanh năm. Thấy được tiềm năng kinh tế của đậu rồng bà Dương Thị Đào, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã phát triển mô hình trồng đậu rồng chuyên canh tại hộ nhiều năm qua.

Trong suốt 7 năm “gắn bó” với cây đậu rồng, bà Đào thấy cây trồng này cho năng suất trái tốt, nhẹ công chăm sóc. Trước đây, đất vườn bà Đào trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, ổi... nhưng không đem lại nguồn thu nhập như mong đợi. Vì vậy, khi thấy nông dân quanh xóm trồng đậu rồng có thu nhập tốt, bà Đào quyết định phá bỏ toàn bộ vườn bưởi đang canh tác diện tích 3.000m2 để chuyển sang trồng đậu rồng. Đậu rồng trồng bằng hạt, sau gần 4 tháng xuống giống đã cho thu hoạch trái kéo dài từ 7 - 12 tháng tùy vào chế độ chăm sóc. Sau khi thu hoạch đợt trái đầu tiên, cứ cách 1 ngày thu hoạch trái 1 lần. Trồng với diện tích 3.000m2, bình quân thu hoạch 3,6 tấn trái/tháng. Đậu sau thu hoạch được thương lái đến tận nhà thu mua.

Bà Dương Thị Đào, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên rẫy đậu rồng đem về thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Bà Dương Thị Đào, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên rẫy đậu rồng đem về thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Bà Dương Thị Đào chia sẻ:

"Để tăng nguồn thu nhập cho gia đình từ trồng đậu rồng, tôi quyết định mở rộng thêm diện đất trồng đậu là 2.000m2 (năm 2022). Đây là phần đất trồng mít Thái nhưng lợi nhuận không tốt nên tôi mạnh dạn đốn bỏ mít, cải tạo đất trồng chuyên canh đậu rồng, nâng tổng số diện tích đất trồng đậu rồng lên 5.000m2. Hiện tại, vườn đậu rồng của gia đình tôi thu hoạch trái quanh năm, cứ cách 1 ngày thu hoạch 1 lần được sản lượng 300 - 400kg, giá bán được thương lái thu mua từ 7.000 - 30.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Đậu rồng có giá bán tốt là vào các tháng 5, 6 do mưa nhiều nên ít các loại rau, củ, quả nên đẩy giá đậu tăng cao. Diện tích 5.000m2 trồng đậu rồng đem về thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết các khoản chi phí".

Để trồng cây đậu rồng cho năng suất tốt, theo kinh nghiệm của bà Đào, bà sẽ xuống giống vào đầu mùa mưa (tháng 4, 5 âm lịch). Trước khi xuống giống làm đất kỹ, bón lót phân hữu cơ, hạt giống khi gieo trồng phải ngâm trong nước ấm và ủ cho hạt nảy mầm mới đem đi trồng. Sau xuống giống từ 7 - 10 ngày, đậu rồng phát triển, bắt đầu leo giàn, thời điểm này quan sát thấy cây yếu thì loại bỏ, chỉ chừa lại cây khỏe. Lúc đậu đã phát triển chiều cao tầm 40cm thì tiến hành làm giàn để đậu rồng leo lên. Khi đậu rồng bước vào giai đoạn ra hoa kết trái, nhu cầu về nước lớn nên cần bổ sung nước đầy đủ cho cây sinh trưởng, kết hợp bón phân hữu cơ dưới gốc cây từ 1 - 3kg/1.000m2/tháng. Riêng trên thân cây bổ sung thêm các loại thuốc vi sinh để dưỡng lá, dưỡng trái xanh tốt. Đậu rồng cũng ít khi gặp các dịch bệnh hay côn trùng tấn công, do đó chỉ cần chăm sóc, nuôi dưỡng cho cây phát triển tốt thì cây cho trái năng suất cao và ổn định.

“Đậu rồng khi được trồng ở những nơi có khí hậu phù hợp và được chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ cho trái quanh năm. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng trái đến tay người tiêu dùng luôn tươi mới thì nông dân cần thu hoạch trái vào thời điểm buổi chiều mát. Thị trường tiêu thụ của trái đậu rồng chủ yếu là tại các chợ truyền thống ở địa phương. Nhằm hỗ trợ hộ dân canh tác cây đậu rồng tốt hơn nữa, trong thời gian tới, đơn vị sẽ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác đậu rồng, cũng như có định hướng mở rộng mô hình trồng đậu rồng tại các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi”, đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202411/trong-dau-rong-nhe-cong-cham-soc-cho-thu-nhap-cao-225005b/
Zalo