Xây dựng tổ chức công đoàn mạnh, xứng tầm với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước
Sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo luật, hướng đến xây dựng tổ chức công đoàn đủ mạnh, xứng tầm với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước.
Cần quy định rõ hơn về bảo đảm điều kiện hoạt động cho cán bộ công đoàn
Tham gia ý kiến về bảo đảm điều kiện cho hoạt động của cán bộ công đoàn, đại biểu Hà Sỹ Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền”.
Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động quyết định, trường hợp nào sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và cơ quan có thẩm quyền quyết định là cơ quan nào, nên sẽ dẫn đến sự lúng túng trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với vấn đề này.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 28 trong dự thảo Luật có quy định: “Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp”.
Đại biểu đề nghị bỏ quy định về ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Bởi lẽ, thành viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là người lao động do người sử dụng lao động tuyển dụng. Việc quy định cần có văn bản thỏa thuận của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có thể sẽ không đảm bảo tính minh bạch và không thực sự phù hợp. Theo đại biểu, dự thảo luật cần sửa thành: “Người sử dụng lao động không được đơn phương… nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp”.
Quan tâm đến vấn đề bảo đảm điều kiện hoạt động cho công đoàn, đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, tại khoản 2 Điều 27 quy định thời gian cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng giờ làm việc trong một tháng để làm công tác công đoàn theo hướng giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành, bởi lý do Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn hiện hành không nêu bất cập nào trong việc thực hiện quy định này thời gian qua và trên cơ sở đề xuất của Cơ quan soạn thảo.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc với cử tri là cán bộ công đoàn cơ sở về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở như Luật hiện hành là hết sức bất cập, còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với quy mô doanh nghiệp lớn, có số lượng công nhân đông. Vì thực tế, việc các cán bộ công đoàn cơ sở sử dụng 12 giờ hay 24 giờ làm việc/1 tháng để làm công tác đoàn như hiện nay đã là hết sức hạn chế, trong khi việc thỏa thuận với người sử dụng lao động để có thêm thời gian hoạt động công đoàn cũng hết sức khó khăn, nhất là đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có đông người lao động cần có nhiều thời gian để hoạt động công đoàn.
Để giải quyết bất cập này, theo đại biểu, không nên quy định cụ thể số lượng thời gian như dự thảo luật, mà cần quy định nguyên tắc chung "Cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn".
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, về đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động, tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần”.
Để đảm bảo việc thực hiện quy định này, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Công đoàn nghiên cứu bổ sung một khoản quy định về trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động trong vấn đề giám sát người sử dụng lao động có tổ chức khám sức khỏe cho người lao động không?
Đối với quyền của đoàn viên công đoàn, đại biểu cho biết, tại khoản 11 Điều 11 quy định trách nhiệm của Công đoàn là “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, tại Điều 21 chưa có quy định về quyền của đoàn viên trong việc được hưởng thụ các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan do Công đoàn đầu tư. Do vậy, đề nghị bổ sung quyền này vào khoản 10 Điều 21 và viết lại như sau: “Được hưởng chính sách chăm lo phúc lợi, thuê nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong phát triển công đoàn
Tham gia ý kiến về mức thu 2% kinh phí công đoàn, đại biểu Leo Thị Lịch, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng đây là quy định hợp lý. Thực tiễn tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ hoạt động cho thấy, nguồn thu kinh phí công đoàn cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.
Với nội dung về tài sản công đoàn, dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm “tài sản thuộc sở hữu công đoàn” thành “tài sản của công đoàn tại khoản 1; bổ sung các quy định việc quản lý sử dụng tài sản công đoàn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở khoản 2”. Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 32 là phù hợp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với sự ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, việc xác định “tài sản của công đoàn” vừa tránh nguy cơ có thể có ý kiến suy diễn Nhà nước “quốc hữu hóa” tài sản công đoàn; vừa nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công đoàn, việc quản lý sử dụng tài sản công đoàn cần thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, về phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, khoản 6 Điều 19 trong dự thảo Luật quy định: “Chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cấp công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.”
Theo đại biểu, quy định như vậy chưa bảo đảm tính bao quát, toàn diện khi đã bỏ qua trách nhiệm của người sử dụng lao động. Qua thực tiễn quan hệ lao động và ngay ở Điều 3 về giải thích từ ngữ, rõ ràng người sử dụng lao động (là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương, tiền công theo quy định của pháp luật) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo mọi điều kiện để các cấp công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm được phân công. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm là người sử dụng lao động vào khoản 6 của Điều 19.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, hầu hết ý kiến các đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ, cụ thể ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật. Đa số ý kiến đã cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị làm rõ, chỉnh lý một số nội dung cụ thể về biên chế, cán bộ công đoàn, cơ chế tài chính, nguồn lực… nhằm xây dựng tổ chức công đoàn đủ mạnh, thực sự là tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp công nhân, của người lao động trong giai đoạn cách mạng mới, ngang tầm với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh: