Xe khách liên tỉnh làm gì để đẩy lui xe dù, bến cóc?
Do sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình như: xe khách trá hình, xe ghép…, nhiều DN kinh doanh xe khách liên tỉnh (XKLT) đang ngày càng khó khăn, nhưng bên cạnh đó vẫn có không ít DN đứng vững và phát triển.
Thực tế cho thấy, mấu chốt nằm ở chất lượng dịch vụ của mỗi DN, và nếu Hà Nội có một đội ngũ XKLT chất lượng cao, xe ngoài luồng sẽ có thể dần dần bị đẩy lui.
Mất khách vì chộp giật
Hiện tượng lê la dừng đỗ tùy tiện, chèo kéo khách, thu quá giá, nhồi nhét… lâu nay vẫn là điểm yếu cố hữu khiến XKLT không được gần gũi, thân thiện và hấp dẫn đối với hành khách. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều loại hình vận tải khách đường dài nở rộ như: xe khách trá hình, xe dù, xe tiện chuyến, xe ghép…
Những loại hình cạnh tranh trực tiếp với XKLT tận dụng lợi thế nhỏ gọn, không bị trói buộc vào các quy định về luồng tuyến, bến bãi, luồn sâu vào các khu dân cư trong trung tâm TP, đưa đón khách tận cửa. Đó là ưu điểm vượt trội hơn hẳn của xe ngoài luồng, khiến rất nhiều người dân lựa chọn xe ghép, xe limousine, quay lưng với XKLT.
Bên cạnh đó, do xe nhỏ, chi phí vận hành, thuế phí thấp, giá vé lại cao hơn nên xe limousine, xe ghép luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, không nhồi nhét, ít lê la dừng đỗ trên hành trình. Khâu quảng bá, mời gọi khách cũng được những nhà xe ngoài luồng này quan tâm, chú trọng hơn hẳn. Hành khách dễ dàng tiếp cận thông tin, đặt chỗ, lên xe, và ngày càng có thiện cảm hơn dù biết xe hoạt động trá hình, vi phạm quy định của pháp luật.
Trong khi đó, nhiều tuyến XKLT đến nay vẫn tồn tại tình trạng rà rê, dừng đỗ đón trả khách, chèo kéo, nhồi nhét khách. Những hành vi chộp giật đó khiến XKLT mất khách, thị phần sụt giảm. Doanh thu thấp, ít khách, XKLT lại càng phải tận dụng mọi cơ hội để chèo kéo, nhồi nhét nhằm có thêm doanh thu bù lỗ. Vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại đó đang siết chặt các DN kinh doanh XKLT, đẩy họ đến bờ vực đổ vỡ.
Các DN kinh doanh XKLT cần nhìn nhận lại chất lượng dịch vụ của mình. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có giải pháp đột phá để vãn hồi trật tự trên thị trường vận tải hành khách liên tỉnh.
Nhìn vào thực tế có thể thấy, ngay tại Hà Nội, nhiều thương hiệu XKLT vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ dù trải qua rất nhiều khó khăn. Đó là vì họ duy trì được chất lượng dịch vụ tốt, đặt sự hài lòng của hành khách lên hàng đầu. Phương tiện sạch, đẹp; hành trình thông suốt không dừng đỗ tùy tiện; không nhồi nhét, thu quá giá; có xe trung chuyển khách đến bến, là những ưu điểm vượt trội mà nhiều tuyến XKLT đã và đang làm được.
Trên lộ trình của những tuyến XKLT có chất lượng dịch vụ tốt đó tác động tiêu cực từ xe dù, xe trá hình, xe ghép không lớn; thương hiệu và thị phần của DN được bảo đảm. Đồng thời với đó là vấn nạn mất trật tự, ATGT do xe khách ngoài luồng cũng được giảm thiểu, quyền lợi của người dân được bảo đảm.
Thiết nghĩ, nếu Bộ GTVT và TP Hà Nội tập trung xây dựng một bộ tiêu chí, lấy đó làm cơ sở hình thành, tinh tuyển một đội ngũ XKLT chất lượng cao sẽ góp phần đáp ứng tốt nhu cầu cho người dân. Và quan trọng hơn nữa, XKLT chất lượng cao sẽ là quân bài chiến lược để từng bước đẩy lui xe khách trá hình, xe dù, bến cóc.
Hiện không ít DN vận tải muốn đầu tư để thực hiện các tuyến XKLT chất lượng cao, tăng cường sức cạnh tranh với xe ngoài luồng, nhưng họ đang thiếu định hướng và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
Ba tiêu chí cốt lõi
Nhiều năm trước, Hà Nội đã có những tuyến xe khách chất lượng cao, được người dân rất ưa chuộng dù giá vé cao hơn hẳn xe thường. Trong bối cảnh hiện nay, khi người dân có thu nhập cao hơn, yêu cầu khắt khe hơn, và sẵn sàng chi trả chi phí lớn hơn, TP hoàn toàn có thể tính đến việc xây dựng các tuyến XKLT chất lượng cao.
Việc đầu tiên là phải đưa ra bộ tiêu chí đánh giá để DN vươn tới, đạt được và duy trì bền vững thương hiệu XKLT chất lượng cao. Trong đó, cần chú trọng vào ba tiêu chí chính: kết nối; hành trình; và chất lượng phục vụ.
Kết nối gồm thông tin quảng bá, tận dụng mọi kênh trên mạng internet, tổng đài điện thoại… để tiếp cận người dân, vừa mời chào sử dụng dịch vụ, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân mua vé, đặt chỗ.
Bên cạnh đó, XKLT chất lượng cao cần phải có xe trung chuyển để đưa đón người dân với bến xe. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp XKLT cạnh tranh mạnh mẽ hơn với xe trá hình, xe ghép. Được đưa đón tận nơi, bố trí sẵn chỗ trên xe, chắc chắn người dân sẽ không còn chỉ ưu ái xe dù, xe ngoài luồng.
Hành trình là nhóm tiêu chí mà mọi nhà xe đều phải đạt được để làm hài lòng hành khách cũng như thực hiện tốt mọi quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải khách liên tỉnh. XKLT phải tuyệt đối không dừng đỗ trên đường, hành trình gói gọn từ bến đến bến; không nhồi nhét khách, không thu quá giá kể cả trong những ngày cao điểm lễ, Tết.
Làm được như vậy, XKLT sẽ “thay da đổi thịt”, thu hút được đông đảo hành khách hơn nữa.
Chất lượng phục vụ là nhóm tiêu chí đòi hỏi về phương tiện, cung cách ứng xử với hành khách của mỗi tuyến XKLT. Xe sạch đẹp, tiện nghi, nhiều tiện ích hiện đại, nhân viên lái phụ xe được đào tạo bài bản, lịch sự, tận tình… sẽ góp phần quan trọng làm nên thương hiệu của XKLT, hấp dẫn người dân.
Bộ GTVT, TP Hà Nội và các địa phương khác không chỉ cần nghiên cứu xây dựng chi tiết bộ tiêu chí chất lượng cao áp dụng cho XKLT mà còn cần hỗ trợ các DN đạt được mục tiêu đó, đặc biệt là những DN nhỏ, đang gặp khó khăn.
Với các DN sẵn sàng phấn đấu xây dựng thương hiệu XKLT chất lượng cao cần có chính sách ưu tiên về luồng lốt, giờ giấc, vị trí đỗ, khu vực chờ tại các bến xe. TP cần giao các bến phối hợp với DN triển khai đội hình xe trung chuyển, trước tiên phục vụ những tuyến XKLT chất lượng cao để mang thêm khách, thêm doanh thu đến cho cả bến lẫn DN vận tải. Đây sẽ là những sự hỗ trợ rất hiệu quả, thiết thực với DN.
Hiện không ít DN vận tải đã tự xây dựng hình ảnh thông quan việc thiết lập phòng chờ riêng tại bến xe, có xe trung chuyển đưa đón khách, có tổng đài đặt vé… Nếu nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bến xe, XKLT sẽ có thêm điều kiện để cạnh tranh mạnh mẽ, dần dần đẩy lui xe dù, xe trá hình.
Song hành với đó, các cơ quan chức năng như: công an, thanh tra GTVT, thông tin truyền thông, quản lý thuế… cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, giám sát chặt chẽ xe hợp đồng hoạt động như XKLT, xe ghép, xe tiện chuyến. Cần xử phạt nặng vi phạm, nhất là triệt tiêu các kênh quảng bá của xe ngoài luồng trên mạng internet để bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho tất cả các loại hình.