Xuất khẩu dệt may về đích với 44 tỉ đô la Mỹ
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, kết quả kinh doanh năm 2024 của ngành dệt may đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 11,26% so với năm trước, xuất siêu đạt 19 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,93%.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như cước vận tải biến động, kinh tế phục hồi chậm và đầu tư toàn cầu sụt giảm, ngành dệt may Việt Nam có nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của đơn hàng trong năm 2024, TTXVN đưa tin.
Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, cho biết nhà máy đang hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho các đối tác nước ngoài vào dịp lễ, Tết. Nhiều công nhân phải tăng ca để đáp ứng khối lượng đơn hàng lớn, kéo dài đến tận tháng 5-2025.
Trong khi ngành may đang ghi nhận những tín hiệu tích cực với đơn hàng tăng trưởng, ngành sợi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá đơn hàng còn thấp. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp sợi đã có những tín hiệu tích cực. Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 48 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.
Theo ông Vũ Đức Giang, bên cạnh những cơ hội mới, ngành dệt may năm 2025 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc giảm giá để cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng chưa ổn định và sự thay đổi liên tục trong hành vi mua hàng của các nhãn hàng lớn.
Ngoài ra, áp lực giảm giá, các quy định mới về "xanh hóa" sản xuất và cạnh tranh gay gắt từ các thị trường lớn đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Để vượt qua những khó khăn này, các doanh nghiệp cần phải không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, cho biết mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt mức cao kỷ lục nhưng việc xuất khẩu sang EU vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do vấn đề xuất xứ nguyên liệu, khi phần lớn nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước không có hiệp định thương mại tự do với EU.
Để khai thác tốt hơn thị trường EU, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động đầu tư vào công nghệ, tự động hóa sản xuất và tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới.