Xây dựng thương hiệu lúa, gạo Lộc Hòa
Huyện Lộc Ninh được xem là vựa lúa lớn của tỉnh với 4.200 ha. Trong đó, xã Lộc Hòa có hơn 200 ha ruộng lúa, phần lớn do đồng bào dân tộc thiểu số canh tác. Hai năm nay, nông dân ở Lộc Hòa đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hướng đến sản phẩm đạt chất lượng OCOP tạo thương hiệu cho lúa, gạo xã Lộc Hòa trong thời gian tới.
THỦY CHUNG VỚI “HẠT NGỌC TRỜI”
Lộc Hòa có hơn 60% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người S’tiêng và Khmer. Với truyền thống làm kinh tế nông nghiệp, họ gắn liền với cây lúa để phục vụ đời sống. Khi kinh tế phát triển, lúa, gạo của đồng bào nơi đây trở thành nông sản đặc trưng vùng miền.

Lúa, gạo sóc Lộc Hòa được gieo trồng tự nhiên, chế biến bằng cách xay xát, không chà bóng, không chất bảo quản, an toàn cho người tiêu dùng
Đồng bào S’tiêng, Khmer ở xã Lộc Hòa từ đời này qua đời khác truyền cho nhau các hạt lúa giống để gieo trồng làm trên những ruộng lúa trải dài bạt ngàn ở miền biên giới. Vụ mùa đầu tiên mỗi năm được đồng bào nơi đây gieo trồng lúa 6 tháng hạt tròn. Qua nửa năm nhận được sự chăm sóc từ các nhà nông, đón nắng, mưa miền biên giới, từng hạt lúa tròn đầy, trĩu nặng trên những cánh đồng bạt ngàn. Khi những cơn mưa đã ngớt, cái nắng trở nên oi bức là lúc đồng bào S’tiêng, Khmer xã Lộc Hòa địu gùi lên ruộng thu hoạch “hạt ngọc trời”.
Mùa khô đến, một phần diện tích trên địa bàn xã Lộc Hòa nhận được dòng nước mát từ kênh nội đồng dẫn từ hồ Rừng Cấm, xã Lộc Tấn, đồng bào nơi đây tranh thủ gieo trồng vụ lúa ngắn ngày với dòng lúa truyền thống và các dòng lúa mới ngắn ngày như: Đài thơm thế hệ 8, ST24, OM5451, OM4900…
Chị Thị Nhung ở ấp 8B, xã Lộc Hòa cho biết: Gia đình tôi trồng lúa 2 vụ mỗi năm, một vụ 6 tháng và vụ 3 tháng, mỗi lần thu hoạch gần 2 tấn. Sau khi thu hoạch, gia đình chọn những gùi lúa đẹp, hạt chắc, no đầy để dành làm giống cho vụ mùa sau; phần còn lại sản xuất, chế biến và trữ làm lương thực cho gia đình và bán cho Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa. Lúa bán cho tổ hội phải được trồng theo hướng hữu cơ, tự nhiên, không dùng các loại phân bón hóa học.
ĐƯA LÚA, GẠO SÓC LỘC HÒA VƯƠN XA
Từ việc trồng lúa để phục vụ nhu cầu cuộc sống, đồng bào dân tộc thiểu số xã Lộc Hòa ý thức được phát triển kinh tế từ cây lúa và đưa hạt lúa quê hương vươn ra thị trường. Họ đã tham gia Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa.

Lúa của các thành viên Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa sau khi thu hoạch được tập trung đến nhà máy xay xát Lệ Quyên để chế biến
Nhiều thế hệ đi trước của gia đình anh Điểu Xơi ở ấp 8B, xã Lộc Hòa chọn gắn bó với cây lúa, đây vừa là nguồn phát triển kinh tế chính vừa cung cấp lương thực cho gia đình. Anh Điểu Xơi cho biết: Đồng bào nơi đây đã quen tự sản xuất lúa, gạo phục vụ cuộc sống gia đình, địa phương mình. Vì cây lúa do chúng tôi trồng ra được chăm sóc tự nhiên, không dùng phân bón, thuốc hóa học; hạt gạo trong quá trình chế biến cũng chỉ được xay xát tự nhiên không dùng hóa chất, an toàn và đảm bảo sức khỏe người dùng.
Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa thành lập từ tháng 10-2023, đến nay đi vào hoạt động hiệu quả. Thành viên tham gia tổ hội ngày càng đông với quy mô hoạt động được mở rộng; việc sản xuất, chế biến có định hướng, mục tiêu rõ ràng, sản phẩm được tổ hội thu mua với giá ổn định giúp hội viên yên tâm sản xuất. Đến nay, trung bình mỗi năm sản phẩm lúa, gạo sóc Lộc Hòa bán ra thị trường khoảng 100 tấn, mang lại thu nhập ổn định cho các hội viên.
Chị Nguyễn Thị Quyên ở ấp 8B, xã Lộc Hòa chia sẻ: Gia đình tôi là địa chỉ tập hợp lúa sau thu hoạch của các thành viên Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa để xay xát. Trung bình mỗi năm chế biến hơn 100 tấn gạo với các dòng sản phẩm đặc trưng của xã Lộc Hòa. Gạo sóc Lộc Hòa khi nấu thành cơm rất thơm, dẻo, hương vị đặc trưng riêng.
Có được những hạt gạo chất lượng, vì lúa, gạo sóc Lộc Hòa do chính người dân nơi đây tự tay gieo trồng, chăm sóc theo hướng nông nghiệp hữu cơ kết hợp với các giống lúa truyền thống như: Lúa 6 tháng hạt tròn, 3 tháng hạt đỏ, lúa 3 tháng hạt dài và các dòng lúa mới ngắn ngày. Lúa được xử lý bằng cách xay xát tự nhiên, không chà bóng, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa trung bình mỗi năm chế biến và đưa ra thị trường hơn 100 tấn gạo
Bà Dương Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết: Từ khi thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến lúa, gạo sóc Lộc Hòa có 10 hội viên tham gia với diện tích khoảng 70 ha lúa ruộng. Mô hình này nhận được sự quan tâm của Hội Nông tỉnh, huyện, hỗ trợ tổ hội vay vốn 600 triệu đồng để hoạt động. Đến nay, tổ hội hoạt động ngày càng hiệu quả, số thành viên tham gia ngày một đông, sản phẩm cũng như sản lượng lúa, gạo được nâng cao. Để tạo thương hiệu riêng cũng như uy tín trên thị trường, tổ hội đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn theo quy định.