Nhiều làng nghề truyền thống trước nguy cơ mai một

Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng dần mai một. Thị trường tiêu thụ gặp khó, thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến số lượng người dân bám nghề ngày một ít đi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 làng nghề truyền thống và 26 làng nghề được công nhận đang hoạt động ở các nhóm ngành nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Trong số đó, sản xuất mây tre đan, thêu ren, đan lát, sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh, cơ khí nhỏ… là những nhóm nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất. Nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một khi quy mô số hộ tham gia làm nghề ngày càng thu hẹp. Chẳng hạn như đối với nhóm nghề mây tre đan, đan lát (gồm 12 làng nghề truyền thống), tại các làng nghề này, số người dân tham gia làm nghề không còn nhiều do người dân có nhiều sự lựa chọn việc làm khác với mức thu nhập cao hơn, nhu cầu thị trường giảm do sự phổ biến của các sản phẩm thay thế bằng nhựa, inox…

Đơn cử tại làng nghề truyền thống tre đan Gòi Thượng (thôn 3 An Nội, xã Bình An, Bình Lục), nếu như trước đây, gần như 100% hộ dân xóm Gòi Thượng đều tham gia làm nghề với lực lượng lao động là học sinh, thanh niên cho đến người trung tuổi, cao tuổi thì giờ đây, cả xóm chỉ còn khoảng chục hộ với hơn 20 lao động là người cao tuổi bám nghề. Có lẽ, đây cũng là thế hệ cuối cùng làm nghề tre đan của Gòi Thượng. Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là thúng, rổ, rá, xảo, nia… phục vụ cho ngành xây dựng, sản xuất và tiêu dùng. Theo ông Đỗ Thế Vinh, Trưởng thôn 3 An Nội, nghề tre đan ở Gòi Thượng đã có từ rất lâu đời. Khoảng hơn chục năm trước, ở thời “hoàng kim”, làng nghề giúp cho người dân Gòi Thượng có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ còn làm giàu từ nghề. Thời gian ấy, bà con làng nghề chủ yếu đan thúng để bán cho các công trường xây dựng, lò vôi, khu khai thác than, đá trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số sản phẩm như rổ, rá, nia thì được đem bán chợ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng khoảng 5-7 năm nay, làng nghề đã dần mai một. Nguyên nhân là do mẫu mã sản phẩm không đa dạng, thị trường tiêu thụ chỉ bó hẹp ở phạm vi xã và một số địa phương lân cận. Thêm nữa, các sản phẩm nhựa ngày càng được sử dụng rộng rãi thay thế cho tre đan khiến sản phẩm khó tiêu thụ, người lao động không còn tâm huyết với nghề. Một khó khăn nữa là việc đầu tư đưa máy móc vào sản xuất chưa đồng bộ, bà con làng nghề chủ yếu làm gia công nên năng suất không cao, ngày công lao động thấp.

Làng nghề truyền thống tre đan Gòi Thượng, thôn 3 An Nội, xã Bình An, Bình Lục chỉ còn số ít hộ tham gia làm nghề.

Làng nghề truyền thống tre đan Gòi Thượng, thôn 3 An Nội, xã Bình An, Bình Lục chỉ còn số ít hộ tham gia làm nghề.

Tương tự, tại huyện Lý Nhân, nhóm nghề sản xuất tre nứa dùng cho xây dựng, sản xuất và tiêu dùng cũng đối mặt với “bài toán” về đầu ra cho sản phẩm. Theo phòng Nông nghiệp và Môi trường Lý Nhân, trên địa bàn huyện có 2 làng nghề truyền thống đan cót ở xã Đạo Lý, 1 làng nghề truyền thống đan thúng, nia, dần… ở xã Văn Lý, 4 làng nghề truyền thống làm mành ở thị trấn Vĩnh Trụ. Sản phẩm của các làng nghề khá đa dạng, được tiêu thụ trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, những năm gần đây, các làng nghề thuộc nhóm ngành nghề này dần mai một. Các làng nghề này đang tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động, trong đó chủ yếu là người ngoài độ tuổi lao động.

Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lý Nhân cho biết: Cũng như nhóm nghề sản xuất tre nứa, làng nghề cơ khí nhỏ cũng đang loay hoay tìm cách giữ nghề. Khoảng chục năm về trước, làng nghề cơ khí tại thôn 3 Mai Xá, thị trấn Vĩnh Trụ vốn nổi tiếng khắp vùng với các sản phẩm phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp là dao, cuốc, liềm, xẻng… Gần như 100% hộ dân trong thôn đều tham gia làm nghề. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó nên đời sống, thu nhập của bà con làng nghề khấm khá. Thế nhưng hiện nay, làng nghề chỉ còn khoảng 20% số hộ làm nghề, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Số người trong độ tuổi lao động phần nhiều đi làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đa số các cơ sở sản xuất ở các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, khó mở rộng và phát triển. Phần lớn mặt hàng tiểu thủ công nghiệp được sản xuất hoàn toàn thủ công, mẫu mã đơn giản, chưa có nhiều sản phẩm tạo được thương hiệu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Số lượng thợ ở các làng nghề đang có xu hướng giảm mạnh. Thu nhập làng nghề dù đã tăng so với trước song vẫn thấp so với ngày công lao động tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thực hiện nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Cùng với đó, làm tốt công tác đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm làng nghề; hỗ trợ các cơ sở làng nghề tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Để duy trì, củng cố các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, nhất là trên các nền tảng công nghệ số; xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cùng với đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thành lập và nâng cao chất lượng các hiệp hội sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề; cải tiến công nghệ, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề…

Nguyên Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nganh-nghe-nong-thon/nhieu-lang-nghe-truyen-thong-truoc-nguy-co-mai-mot-156134.html
Zalo