Tăng trưởng kinh tế quý 1/2025 của Trung Quốc bất ngờ vượt dự báo
Dữ liệu này được đưa ra trong bối cảnh một số ngân hàng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây...

Du khách thăm cảng Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 5,4% trong quý 1/2025, một mức tăng tốt hơn dự báo và cho thấy đà tăng trưởng của cuối năm ngoái được duy trì. Dữ liệu này được đưa ra trong bối cảnh một số ngân hàng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Báo cáo do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NSB) công bố sáng 16/4 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý đầu năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5,4% s với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự báo mức tăng trưởng 5,1%.
Đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã mạnh lên vào cuối năm 2024 nhờ việc Chính phủ nước này triển khai các biện pháp kích thích trên diện rộng.
Báo cáo của NBS cũng cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 3 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 4,2% mà giới phân tích đưa ra. Sản lượng công nghiệp tăng 7,7%, tốt hơn nhiều so với dự báo là tăng 5,8%.
Một thông tin khả quan nữa từ báo cáo của NBS là tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị giảm còn 5,2% trong 3, sau khi tăng lên mức cao nhất 2 năm là 5,4% vào tháng 2.
Ngoài ra, đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 4,2% trong quý 1, so với dự báo của giới phân tích là tăng 4,1%. Dù vậy, đầu tư bấn động sản trong quý 1 vẫn giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành một lực cản đối với tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định nói chung, trong khi đầu tư hạ tầng và sản xuất tăng tốc.
Các nhà thống kê của NBS nhận định nền kinh tế Trung Quốc đã có “một sự khởi đầu tốt và vững vàng” cho năm 2025, đồng thời nhấn mạnh rằng “sáng tạo đã đóng một vai trò ngay càng quan trọng” đối với tăng trưởng kinh tế.
Hồi tháng 1, startup DeepSeek của Trung Quốc đã công bố mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là có tính đột phá và có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với Chat GPT của đối thủ Mỹ OpenAI.
Dù vậy, NBS cũng cảnh báo rằng “môi trường bên ngoài đang trở nên phức tạp và khó khăn”, đồng thời nhu cầu trong nước còn yếu.
Đầu năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm “khoảng 5%”, một mục tiêu được đánh giá là tham vọng và khó đạt được hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục ảm đạm.
“Chúng ta cần thực thi các chính sách vĩ mô chủ động và hiệu quả, mở rộng và tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế trong nước… và phản ứng tích cực với những bất định của môi trường bên ngoài”, báo cáo của NBC có đoạn viết.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ 2 đã áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh đánh thuế 125% hàng Mỹ để trả đũa, sau một loạt bước leo thang “ăn miếng trả miếng” gần đây. Mức thuế quan cao như vậy được dự báo có thể khiến lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc và nước này mất đi hàng điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay.
“Tăng trưởng có khả năng sẽ suy yếu nhanh từ quý 2 trở đi, xét tới việc đàm phán trước mắt khó có thể đạt kết quả giảm mạnh thuế quan”, một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley tuần này nhận định.
Gần đây, một số ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay. Phần lớn giới phân tích đều nghi ngờ về khả năng nền kinh tế nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Ngày 15/4, ngân hàng UBS là tổ chức dự báo mới nhất đưa ra đánh giá kém lạc quan về kinh tế Trung Quốc, dự báo nước này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 3,4% do tác động tiêu cực của thuế quan. UBS nhận định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 2/3 trong những tháng tới, và tổng kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng USD của nước này sẽ giảm 10% trong năm nay.
Với áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc như vậy, giới phân tích kêu gọi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích thích mạnh mẽ để thúc đẩy tiêu dùng và đưa thị trường bất động sản vượt qua khủng hoảng, giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các hoạt động xuất khẩu và đầu tư.