Bộ Nội vụ: Có thể xem xét kéo dài tuổi làm việc của công chức lên 70
Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, trong đó có thể xem xét kéo dài tuổi làm việc của một số công chức đến 70.
Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đang đề xuất nhiều chính sách mới đối với cán bộ, công chức và viên chức. Trong đó, đáng chú ý là việc cơ quan soạn thảo đặt một số vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu với người lao động khu vực Nhà nước.
Một số nước kéo dài tuổi lao động công chức lên 75
Thực tế, tuổi nghỉ hưu của người lao động khu vực tư nhân và Nhà nước đang được quy định ở Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Với lộ trình như vậy, lao động nam được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 và nữ từ 55 lên 60.
Tuy nhiên, trong quá trình sửa Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ có tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tuổi nghỉ hưu lao động khu vực Nhà nước thì nhận thấy một số quốc gia kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động ở một số ngành, lĩnh vực lên khá cao.

Nếu kéo dài tuổi lao động của công chức ở một số lĩnh vực lên 70 thì khi đến tuổi nghỉ hưu họ vẫn được nhận lương hưu. Ảnh: V.LONG
Chẳng hạn, tại Pháp, độ tuổi nghỉ hưu công chức là 67 tuổi và có thể kéo dài đến 70 và 75 tuổi.
Còn ở Nhật Bản, công chức hành chính là 60 tuổi, đối với các vị trí công việc đặc thù, khó bổ sung nhân sự, độ tuổi nghỉ hưu hơn 60 tuổi nhưng không được quá 65 tuổi. Công chức tham gia bảo vệ tòa nhà chính phủ và nhân viên kỹ thuật là 63 tuổi. Nhân viên y tế là 65 tuổi. Quy định này không áp dụng đối với công chức tạm thời, công chức được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ và công chức làm việc bán thời gian.
Bộ trưởng Nhật có quyền kéo dài thời gian công tác đối với công chức đã đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc thêm 1 năm và có thể gia hạn 1 lần sau khi thống nhất với Hội đồng Nhân sự quốc gia.
Công chức ở Thái Lan nghỉ hưu nếu đủ 60 tuổi. Đối với những vị trí kỹ thuật hoặc các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cá nhân có thể tiếp tục phục vụ Chính phủ tới 70 tuổi.
Mặt khác, công chức ở Mỹ nghỉ hưu đúng tuổi khi đủ 60 tuổi và có 30 năm làm việc hoặc đủ 62 tuổi và có 20 năm làm việc. Sau khi hoàn thành 25 năm phục vụ hoặc đủ 50 tuổi và hoàn thành 20 năm phục vụ, công chức cũng có thể được nghỉ hưu sớm.
Tại Trung Quốc, công chức đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị mất hoàn toàn khả năng lao động thì nghỉ hưu. Công chức thuộc một trong các trường hợp sau đây và tự nguyện xin nghỉ hưu nếu được cơ quan quản lý chấp thuận thì được nghỉ hưu trước tuổi: Đã làm việc được 30 năm, cách tuổi nghỉ hưu do Nhà nước quy định dưới 5 năm và đã làm việc đủ 20 năm, các trường hợp khác được nghỉ hưu sớm theo quy định của pháp luật.
Tại Australian, nhân viên đến độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu có quyền nghỉ hưu bất cứ lúc nào bằng cách thông báo bằng văn bản cho giám đốc cơ quan. Tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 55 tuổi hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn theo quy định và có quyền nghỉ hưu sớm.
Từ thực tiễn đó, Bộ Nội vụ nhận định các quốc gia hầu hết quy định tuổi nghỉ hưu 60-65 tuổi nhưng đối với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia có thể kéo dài đến 75 tuổi.
Ngoài ra, các quốc gia còn quy định chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái…
Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.
Lựa chọn người ở lại cần có tiêu chí
Trao đổi với PLO về vấn đề trên, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Việt Nam đang đối mặt với già hóa dân số rất nhanh, nên tương lai sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều ngành trọng yếu. Vì vậy, ông đồng tình việc tiến tới kéo dài tuổi lao động của những người có kinh nghiệm ở một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, việc kéo dài tuổi làm việc chỉ áp dụng cho chuyên môn, không nên giữ chức vụ lãnh đạo khi đã cao tuổi.
Chẳng hạn, ông Thứ trưởng đủ 62 tuổi là phải nghỉ hưu, nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục ký hợp đồng lao động với ông ở vai trò cố vấn, chuyên gia. Ông này có thể hưởng mức lương cao hơn cả Bộ trưởng.
Theo ông Lợi, việc tiếp tục giữ các chức vụ lãnh đạo khi đã cao tuổi có thể ảnh hưởng đến quá trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ, hạn chế cơ hội phát triển cho lớp kế cận, và thậm chí dẫn đến trì trệ trong đổi mới tổ chức.
Do vậy, cần tách bạch rõ ràng giữa năng lực chuyên môn và vai trò quản lý để có chính sách phù hợp, phát huy được cả nguồn lực trí tuệ của người cao tuổi lẫn sức trẻ, tinh thần đổi mới của thế hệ kế tiếp.
“Thực tế, xã hội rất cần sự cống hiến của người có trình độ, còn đủ sức khỏe làm việc. Nhiều người nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc hiệu quả, thậm chí thu nhập cao hơn khi còn công tác. Bản thân tôi giờ vẫn đang làm vai trò cố vấn cho các đơn vị khác”- ông Lợi nêu thực tế.
Ngoài ra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý việc lựa chọn người ở lại cần có tiêu chí, không phải ai muốn ở lại cũng được.
“Chúng ta phải chọn được những người khát khao cống hiến cho đất nước, muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước, dân tộc. Nếu chúng ta làm không có tiêu chí sẽ bị nhiều người lợi dụng để trục lợi lương”- ông Lợi nêu quan điểm.
Một chuyên gia lĩnh vực lao động cho rằng, thực tế thời gian qua Nhà nước đã ký hợp đồng với một số lãnh đạo về hưu mà còn năng lực muốn đóng góp cho đất nước, với vai trò chuyên gia, cố vấn. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp này đều nằm ở cấp Trung ương và với số lượng rất nhỏ.
Vì vậy việc dự luật đề cập đến vấn đề này là phù hợp, đặc biệt khi đất nước bước vào giai đoạn già hóa dân số.
“Tuy nhiên, thể chất của người Việt không tốt bằng các nước, ở tuổi 70 không phải ai cũng minh mẫn. Vì vậy, tôi cho rằng việc này cần được nghiên cứu thấu đáo từ mọi mặt để có thể tận dụng được nguồn lao động chất lượng cao…”- vị này cho hay.
Cần bỏ cơ chế xét thăng hạng để tăng lương
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay mỗi quốc gia có cách làm khác nhau về thăng hạng và tăng lương cho viên chức. Đối với Việt Nam còn tình trạng các viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện các loại chứng chỉ theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp, việc thăng hạng chức chủ yếu giải quyết vấn đề tăng lương, chưa phản ánh được bản chất của việc thăng hạng. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.