Xây dựng mạng lưới đường sắt đồng bộ, hiệu quả, phát triển đô thị hiện đại
Chiều 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
![Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_294_51479307/6f2948477a099357ca18.jpg)
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, quy mô dân số của hai thành phố này lớn nhưng cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Tình trạng ùn tắc giao thông khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn nhiên liệu truyền thống đang ngày càng khan hiếm, lãng phí thời gian đáng lẽ được sử dụng cho hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân.
Từ kinh nghiệm thế giới, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị là giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Đại biểu cũng nhất trí với 6 nhóm cơ chế đặc thù về: Huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu để mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án khác trong tương lai nhằm phát triển các đô thị mới. Hiện nay, một số địa phương khác đã có quy hoạch đường sắt đô thị như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh; đặc biệt có những địa phương đã và đang trong quá trình chuẩn bị để đầu tư đường sắt đô thị ngay trong thời kỳ 2026 - 2030. Đại biểu đề nghị, Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù không chỉ riêng cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng lân cận với TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Long An… hay các địa phương trong vùng Thủ đô như Bắc Ninh để xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị đồng bộ, hiệu quả, góp phần phát triển đô thị hiện đại.
Về giải pháp triển khai, tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết đã quy định tương đối cụ thể các điều kiện, phân công trách nhiệm rất rõ ràng. Theo đại biểu Trần Thị Vân, hai yếu tố quan trọng để đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ, đó là vốn và mặt bằng sạch. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải bảo đảm việc phân bổ vốn ngân sách và giám sát công tác giải ngân đúng tiến độ. Địa phương có trách nhiệm khẩn trương triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hoàn thiện nội dung quy hoạch để sẵn sàng triển khai dự án.
Đối với chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đại biểu đề nghị, đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau; bổ sung các kịch bản khai thác và giải pháp trong trường hợp phải dừng khai thác tuyến đường sắt hiện hữu do thiếu hiệu quả.
![Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_294_51479307/75c75ea96ce785b9dcf6.jpg)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị có dự báo chính xác tương đối về con số tái định cư; đồng thời có chính sách thỏa đáng để ổn định dân cư tại khu vực chịu ảnh hưởng của dự án…
Qua thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đối với sự cần thiết, tính cấp bách ban hành các cơ chế, chính sách; quan điểm và nguyên tắc ban hành các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết. Các đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ về hạn mức vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ và các điều kiện ràng buộc khác có liên quan...; các giải pháp kiểm soát sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.