Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khỏe. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông.

Công tác truyền thông phòng chống bệnh tật, trong đó có các bệnh liên quan đến tim mạch được ngành y tế quan tâm, chú trọng. (Ảnh chụp góc truyền thông tại Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời)

Công tác truyền thông phòng chống bệnh tật, trong đó có các bệnh liên quan đến tim mạch được ngành y tế quan tâm, chú trọng. (Ảnh chụp góc truyền thông tại Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời)

Thông tin từ ngành Y tế cũng cho thấy, bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi, xuất hiện nhiều ở những người 30-40 tuổi. Một số yếu tố sức khỏe có nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, ô nhiễm môi trường, ít vận động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh, yếu tố di truyền, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá...

Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh tim khởi phát do yếu tố di truyền, đái tháo đường, béo phì, cao tuổi. Thực tế, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh, thói quen ăn không phù hợp là nguyên nhân cơ bản gây bệnh tim mạch.

Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: "Các bệnh lý về tim mạch đang là mối hiểm họa cho sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở người trưởng thành và trung niên là do hút thuốc, béo phì, ít vận động, thường xuyên căng thẳng, chế độ ăn nhiều muối, chất béo, rượu bia, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường… Trong đó, béo phì là nguyên dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa. Hiện nay, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu, cứ 10 trẻ lại có một trẻ béo phì. Do đó, nếu không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này thì các bệnh tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ. Ngoài ra, nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ ở người trẻ.

Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong cao và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh có xu hướng ngày càng tăng. Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn ở tuổi lao động.

Tại Cà Mau, để giảm gánh nặng do bệnh tim mạch gây ra, địa phương cũng đã có những giải pháp được triển khai trên thực tế. Trong đó, việc tuyên truyền để người dân hiểu và biết cách phòng chống bệnh tim mạch luôn được đề cao. Cũng như phổ biến ở cơ sở về những biểu hiện của bệnh lý, phòng và điều trị thích hợp. Đối với công tác điều trị, một trong những nổi bật là việc tiếp nhận chuyển giao và làm chủ các kỹ thuật điều trị, can thiệp hiện đại từ các đơn vị y tế tuyến trên.

Trong những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho người dân, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau không ngừng đầu tư và nâng cao chất lượng. Điểm nhấn là học tập và tiếp nhận các kỹ thuật cao từ đơn vị y tế tuyến Trung ương. Riêng lĩnh vực tim mạch can thiệp để làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, bệnh viện đã tăng cường đạo tạo đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn cao, có khả năng sử dụng thành thạo các thiết bị thăm khám, chẩn đoán hình ảnh tim mạch... Để phục vụ cho việc khám và điều trị, bệnh viện đã đầu tư xây dựng khu can thiệp tim mạch với nhiều hệ thống y tế tiến tiến, nâng cao.

Bệnh tim mạch và những hệ lụy đi kèm không chỉ nhận được sự quan tâm từ Việt Nam mà đây là vấn đề được cả thể giới hướng đến trong tình hình hiện nay, khi mà bệnh ngày càng có những diễn biến phức tạp. Sắp tới đây, Ngày Tim mạch Thế giới (29/9) đây là là một sự kiện quan trọng thường niên. Ngày này được tổ chức bằng cách tổ chức nhiều hoạt động và sự kiện nâng cao nhận thức khác nhau trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tim và các biện pháp phòng ngừa để quản lý các bệnh tim mạch. Nhân sự kiện này, ngành Y tế cũng đã cảnh báo và gửi nhiều thông điệp với quyết tâm làm giảm gánh nặng do bệnh tim mạch gây ra.

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Ngành Y tế chỉ dẫn nhiều biện pháp phòng tránh rủi ro tử vong sớm vì bệnh lý tim mạch. Trong đó, nhấn mạnh cần có những chế độ ăn uống hợp lý; lối sống lành mạnh, tăng cường tập thể dục thường xuyên; hạn chế sử dụng chất kích thích nhưng thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, shisha) vì hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, triglyceride, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Nếu một người biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình; tránh căng thẳng, lo âu quá mức.

Lê Kim

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-dung-loi-song-lanh-manh-phu-hop-phong-benh-tim-mach-a34551.html
Zalo