Xây dựng hệ sinh thái cho người khiếm thính

Làm thế nào để công nghệ có thể giúp người khiếm thính cảm thấy tự tin và được tôn trọng hơn trong cuộc sống? Câu hỏi này đã khiến nhóm sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội phát triển dự án 'Easy-Comm' ứng dụng các công nghệ tiên tiến để phát triển hệ thống nhận diện ngôn ngữ ký hiệu.

 Các thành viên Dự án. Ảnh: NVCC

Các thành viên Dự án. Ảnh: NVCC

Cơ hội hòa nhập cộng đồng

Đây là công nghệ sử dụng camera trên điện thoại hoặc laptop để nhận diện cử chỉ tay của người khiếm thính, sau đó chuyển đổi thành văn bản hoặc giọng nói. Ngược lại, hệ thống cũng có thể chuyển đổi giọng nói của người đối diện thành ngôn ngữ ký hiệu hiển thị trên màn hình.

Quy trình sử dụng rất đơn giản: người dùng chỉ cần mở ứng dụng, chọn chế độ giao tiếp mong muốn và bắt đầu trò chuyện. Giao diện thân thiện, dễ sử dụng, giúp người khiếm thính cảm thấy thoải mái khi trải nghiệm.

Hiện tại, sản phẩm "Easy-Comm" đang được thử nghiệm tại một số trung tâm giáo dục đặc biệt ở Hà Nội và các cộng đồng người khiếm thính. Thử nghiệm này không chỉ giúp nhóm các nhà khoa học trẻ kiểm tra tính thực tiễn của sản phẩm mà còn thu thập được nhiều phản hồi quan trọng từ chính người dùng.

Đối với người khiếm thính, sự đơn giản trong giao diện và độ chính xác khi nhận diện ngôn ngữ ký hiệu là yếu tố được đánh giá cao. Nhiều người dùng đã chia sẻ rằng họ cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp, đặc biệt là trong những tình huống cần trao đổi nhanh chóng, như tại bệnh viện, siêu thị hoặc nơi làm việc.

Nhóm Dự án gồm 4 thành viên (sinh năm 2003 đến 2005), đều là sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội. Mỗi thành viên đến từ các khoa khác nhau, mang những thế mạnh riêng, cùng đóng góp vào việc phát triển dự án "Easy-Comm".

Trưởng nhóm Ngô Duy Đông cho biết, ý tưởng phát triển hệ thống nhận diện ngôn ngữ ký hiệu hỗ trợ người khiếm thính bắt nguồn từ một buổi hội thảo về người khuyết tật mà nhóm tham gia vào cuối năm 2023.

"Khi trò chuyện với một bạn khiếm thính, nhóm tôi nhận ra giao tiếp là rào cản lớn nhất khiến họ khó hòa nhập xã hội, học tập và làm việc. Nhu cầu ấy khiến nhóm trăn trở: làm thế nào để công nghệ có thể giúp người khiếm thính cảm thấy tự tin và được tôn trọng hơn trong cuộc sống? Tuy nhiên, việc hiện thực hóa ý tưởng không hề dễ dàng.

Nhóm phải vừa nghiên cứu công nghệ mới vừa tiếp cận cộng đồng người khiếm thính để hiểu rõ nhu cầu thực sự của họ. Những buổi trò chuyện với người dùng là nguồn cảm hứng lớn nhưng cũng đầy thử thách, bởi nhóm phải học cách giao tiếp qua phiên dịch viên hoặc ngôn ngữ ký hiệu cơ bản.

Dự án được khởi động từ ngày 10/12/2023 và nhóm mất một năm để phát triển được phiên bản đầu tiên", Ngô Duy Đông cho biết.

Không chỉ là công nghệ

Theo tính toán của nhóm, khi sản phẩm "Easy-Comm" được hoàn thiện, nhóm sẽ tập trung phát triển trên hai nền tảng di động chính là Android và iOS, bởi đây là những nền tảng phổ biến và dễ tiếp cận nhất đối với người dùng. Ứng dụng sẽ được thiết kế với giao diện đơn giản, trực quan, giúp người khiếm thính sử dụng dễ dàng mà không cần hỗ trợ kỹ thuật phức tạp.

Để đảm bảo chất lượng, nhóm sẽ hợp tác với các chuyên gia phát triển phần mềm và thực hiện nhiều đợt thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi chính thức ra mắt. Quá trình này bao gồm kiểm tra độ ổn định trên các dòng điện thoại khác nhau, tối ưu hóa hiệu suất để ứng dụng hoạt động tốt trên cả các thiết bị cấu hình thấp.

Sau khi đưa sản phẩm lên Google Play và App Store, nhóm sẽ tiếp tục duy trì và phát triển bằng cách thường xuyên cập nhật ứng dụng, bổ sung các tính năng mới và khắc phục mọi vấn đề dựa trên phản hồi từ người dùng.

Nhóm cũng dự định tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật và cộng đồng người khiếm thính để tăng cường khả năng tiếp cận và lan tỏa giá trị của sản phẩm đến nhiều người hơn.

"Chúng mình kỳ vọng dự án không chỉ là một công cụ công nghệ mà còn trở thành cầu nối thực sự, giúp người khiếm thính cảm thấy tự tin, tự chủ và hòa nhập với xã hội một cách toàn diện.

Ngoài ra, nhóm dự định mở rộng mạng lưới đối tác để sản phẩm có thể tiếp cận và hỗ trợ ngày càng nhiều người khiếm thính. Chúng mình tin rằng đây không chỉ là một dự án khởi nghiệp mà còn là một sứ mệnh đầy ý nghĩa mà cả nhóm sẽ theo đuổi lâu dài", Ngô Duy Đông chia sẻ.

Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm "Easy-Comm" dựa trên các phản hồi từ người dùng và chuyên gia. Mục tiêu trước mắt của nhóm là mở rộng phạm vi thử nghiệm, ngoài Hà Nội sẽ là TPHCM và Đà Nẵng.

Về lâu dài, nhóm đặt mục tiêu đưa ra thị trường Đông Nam Á. Đặc biệt, nhóm muốn xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, không chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ giao tiếp mà còn giúp người khiếm thính tham gia tốt hơn vào giáo dục, việc làm và các hoạt động xã hội khác.

Các giải thưởng Dự án đã nhận được: Giải Nhì cuộc thi "Bệ phóng khởi nghiệp" năm 2024 do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức; Giải Nhì trong cuộc thi "Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2024 do Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức; Giải Ba tại cuộc thi "Vietnam Youth Start-Up Challenge (VYSC) 2024…

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-he-sinh-thai-cho-nguoi-khiem-thinh-20250107153935749.htm
Zalo