Ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi
Dự án chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) tại Trung tâm Công nghiệp Năng lượng và Hậu cần Kỹ thuật PTSC là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam. Ứng dụng công nghệ hiện đại cùng quy trình thi công chuẩn quốc tế, lô chân đế đầu tiên của Dự án đã được PTSC hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư bảo đảm chất lượng tối ưu, đánh dấu bước khởi đầu mạnh mẽ cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Từ những bước đầu tiên, Dự án chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi CHW2204 đòi hỏi sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng từ đội ngũ kỹ sư và công nhân dầu khí Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Việt Nam (PTSC), cùng sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, thiết bị và nguồn nhân lực.
Một trong những điểm nhấn công nghệ đáng chú ý là việc PTSC đã sử dụng cần cẩu Ring Crane với công nghệ bệ phân bố vòng tròn, được xem là một trong những thiết bị hiện đại nhất thế giới. Với sức nâng lên tới 2.350 tấn, cần cẩu này đã thực hiện những mã cẩu lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, công nghệ này cho phép cẩu lắp các cấu kiện khổng lồ với trọng lượng gần 800 tấn ở độ cao gần 100m - điều chưa từng được thực hiện tại Việt Nam trước đây. Ring Crane không chỉ giúp hoàn thành công việc nhanh chóng mà còn bảo đảm an toàn tuyệt đối trong các điều kiện thi công phức tạp.
Ngoài hệ thống cẩu Ring Crane, một điểm nổi bật trong chuỗi sản xuất là hệ thống nhà xưởng sơn chống ăn mòn lớn và hiện đại bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được PTSC đầu tư mới. Hệ thống nhà xưởng này đáp ứng được những yêu cầu vô cùng khắt khe theo tiêu chuẩn châu Âu, hơn cả trong lĩnh vực dầu khí truyền thống. Các cấu kiện chân đế điện gió với chiều cao gần 50m được xử lý một cách an toàn và hiệu quả trong nhà xưởng này, bảo đảm khả năng chống chịu trước các tác động ăn mòn của môi trường biển khắc nghiệt.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các dự án năng lượng tái tạo, từ năm 2022, PTSC đã thực hiện nhiều thay đổi mang tính chiến lược trong tư duy sản xuất, dần chuyển dịch và mở rộng mô hình sản xuất từ đơn chiếc (single/one-off production) sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, năng suất cao (mass & lean production), tức chu trình sản xuất theo chuỗi khép kín hoàn toàn khác biệt với các dự án dầu khí truyền thống. Đây là bước ngoặt quan trọng, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, thiết bị, dây chuyền sản xuất và cả nguồn nhân lực. Ngoài ra, việc tổ hợp các chân đế theo phương đứng thay vì phương nằm ngang như truyền thống cũng là một thay đổi mang tính cách mạng, giúp tối ưu hóa không gian và thời gian thi công.
Không dừng lại ở đó, PTSC cũng tiếp tục đẩy mạnh nhiều sáng kiến kỹ thuật để nâng cao hiệu quả thi công. Việc sử dụng xe nâng người thay cho giàn giáo truyền thống là một ví dụ điển hình. Giải pháp này không chỉ tăng tính linh hoạt mà còn giúp tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn lao động. Bên cạnh đó, các thiết bị siêu trường siêu trọng được huy động để vận chuyển và lắp đặt các cấu kiện lớn, đòi hỏi sự tính toán tỉ mỉ và kỹ lưỡng trong từng chi tiết.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng, PTSC đã thiết lập một hệ thống quản lý an toàn và chất lượng tích hợp, linh hoạt. Với sự tham gia của nhiều nhà thầu phụ có văn hóa an toàn và quy trình quản lý khác nhau, hệ thống này giúp duy trì sự phối hợp hiệu quả giữa các nhà thầu phụ, không những đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất mà còn bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các bên, từ đó duy trì tiến độ thi công và chất lượng dự án ở mức cao nhất.
Dự án chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi CHW2204 là minh chứng rõ ràng cho năng lực của PTSC. Tổng khối lượng sản phẩm lên đến hơn 70.000 tấn, với sự tham gia của hơn 3.000 công nhân lành nghề làm việc liên tục 3 ca trong ngày. Dự án đã đạt 9 triệu giờ làm việc an toàn, thể hiện cam kết của PTSC đối với các tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Việc hạ thủy và bàn giao lô chân đế đầu tiên không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng mà còn chứng minh khả năng làm chủ chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của doanh nghiệp Việt Nam.
Thành công tại Dự án CHW2204 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho PTSC trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sau cột mốc quan trọng này, doanh nghiệp tiếp tục ký kết hợp đồng chế tạo chân đế cho các dự án có quy mô lớn hơn và bước đầu triển khai chế tạo các trạm biến áp ngoài khơi (OSS) thuộc dự án Baltica tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất thế giới. Với tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu”, PTSC không ngừng khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng nền công nghiệp năng lượng bền vững, đồng hành cùng nỗ lực đưa Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực.
Những thành quả này không chỉ thể hiện năng lực làm chủ công nghệ của PTSC mà còn sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 951/NQ-ĐU, định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Petrovietnam. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị thành viên trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo đảm tăng trưởng bền vững của Tập đoàn.