EVN: Ứng dụng khoa học công nghệ - bước đệm phát triển

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn nỗ lực ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được thành tựu quan trọng.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn xác định khoa học - công nghệ là một trong những động lực, đột phá chiến lược góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Hiện thực hóa chủ trương này, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 569/QÐ-TTg. Trên cơ sở này, tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2795/QĐ-BCT phê duyệt Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030. Trong đó, nêu nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả khoa học - công nghệ trong bối cảnh mới.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Minh - Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường (EVN) - xung quanh vấn đề này.

- Xin ông chia sẻ một số lĩnh vực chính mà EVN - doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ - đã áp dụng hiệu quả?

Ông Nguyễn Quốc Minh: Trong những năm qua, EVN luôn nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

Thứ nhất, trong lĩnh vực hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý vận hành hệ thống điện. Tập đoàn đã từng bước triển khai xây dựng lưới điện thông minh, triển khai tự động hóa hệ thống điều khiển và giám sát, quản lý phân phối, tự động hóa trạm biến áp, thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu đo xa cũng như triển khai trạm biến áp không người trực. Đối với công tác quản lý vận hành, sửa chữa bảo dưỡng cũng đã ứng dụng công nghệ số, công nghệ hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hay thiết bị máy bay không người lái có phân tích hình ảnh để hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, giám sát tình trạng vận hành của thiết bị và dự báo sớm tình trạng vận hành để nâng cao chất lượng quản lý vận hành thiết bị.

Ông Nguyễn Quốc Minh - Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường (EVN). Ảnh: Quốc Chuyển

Ông Nguyễn Quốc Minh - Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường (EVN). Ảnh: Quốc Chuyển

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Đến nay, EVN đã triển khai rất nhiều ứng dụng, công nghệ số trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Trong đó, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia cũng như dịch vụ cổng của các tỉnh, thành phố. Đến tháng 12/2024, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng đạt được những thành tựu hết sức đáng ghi nhận với 100% số xã trên cả nước đã có điện. Trong công tác kinh doanh, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt đến 96,65%, tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện được cung cấp qua trung tâm hành chính công, dịch vụ công đạt xấp xỉ 100%.

Thứ ba, về các thành tựu ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành. EVN ứng dụng rất nhiều công nghệ trong việc quản trị, điều hành, chỉ đạo hệ thống, trong đó tất cả lĩnh vực hoạt động đều có những môđun, phần mềm để quản lý, giám sát, theo dõi và đưa ra những công cụ điều hành trong lãnh đạo cũng như cấp chỉ huy điều hành.

Hiện nay, phần tự động hóa có 100% các trạm biến áp 110kV được điều khiển xa và không người trực, 82% các trạm biến áp 220kV cũng được điều khiển xa và không người trực. Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam năm 2023 là 6,15% và dự kiến trong năm 2024 tỷ lệ tổn thất điện năng còn khoảng 6,05%.

Về độ ổn định, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao, hiện chỉ số thời gian mất điện bình quân tính trên đầu khách hàng tính theo năm, năm 2024 EVN dự kiến chỉ khoảng 220 phút. Với các thành tựu khoa học công nghệ đã triển khai trong thời gian qua, EVN cũng đã góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

- Để có được kết quả như ông đã chia sẻ ở trên, yếu tố nào là quan trọng nhất? Trên thực tế, dù đã đạt được những kết quả nhất định, song cũng có những khó khăn, vậy vướng mắc hiện nay là gì, nhất là trong bối cảnh nguồn lực của EVN còn hạn chế, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Minh: EVN đạt được những thành tựu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, trong đó đóng góp của nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên rất nhiều yếu tố, cũng như sự tổng hòa của nhiều giải pháp. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, đó chính là tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn trong đầu tư thiết lập hệ thống hạ tầng công nghệ. Việc định hình, xác định xây dựng đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ là tiền đề định hướng cho công tác triển khai rất nhiều các ứng dụng, những sản phẩm khoa học công nghệ, trên nền tảng công nghệ đó để dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.

Ngoài ra, cũng có sự tham gia của rất nhiều yếu tố khác như cơ chế và sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành, Chính phủ, các cơ quan liên quan, sự tham gia tích cực và nhiệt tình của cán bộ, nhân viên, kỹ sư trong toàn Tập đoàn tham gia vào hoạt động khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, liên quan đến nguồn lực tài chính. Để đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đều cần nguồn kinh phí nhất định. Trong khi đó, bối cảnh tình hình tài chính của Tập đoàn còn đang có nhiều hạn chế để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển tăng trưởng trong thời gian tới.

Thứ hai, liên quan đến nguồn lực nhân sự. Đây chính là nguồn lực tham gia các hoạt động nghiên cứu, tham gia các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. EVN trước đây từng có cơ sở nghiên cứu và có viện nghiên cứu, tuy nhiên hiện không có cơ quan đơn vị chuyên trách để thực hiện nội dung này.

- Trong bối cảnh nhu cầu điện tiếp tục tăng cao, yêu cầu đòi hỏi về chất lượng, độ tin cậy cấp điện ngày càng cao, EVN sẽ triển khai công tác khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ra sao để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao?

Ông Nguyễn Quốc Minh: Với tốc độ tăng trưởng GDP 1% điện phải tăng trưởng khoảng 1,5%, năm 2024 tăng trưởng GDP hơn 7% điện tăng trưởng khoảng hơn 10%. Ngày 8/12/2024, Thủ tướng Chính phủ có dự lễ tổng kết công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối, khi đó, Thủ tướng Chính phủ có nêu: Thứ nhất, điện tăng trưởng 1,57% so với GDP; thứ hai, EVN phải sẵn sàng phương án để trong giai đoạn tới Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng hai con số, EVN phải có phương án để đảm bảo đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là tốc độ tăng trưởng rất lớn và cũng thách thức rất lớn đối với Tập đoàn cũng các đơn vị trong ngành điện nói chung.

Thủ tướng cũng chỉ đạo EVN phải tích cực nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, nhất là công nghệ mới trong toàn bộ các khâu, trong các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật để đảm bảo yêu cầu đối với tất cả các khâu, từ phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Các nội dung trên trong Chiến lược phát triển của EVN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề cập những giải pháp cụ thể về ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện ngày càng cao… Có thể kể đến một số giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, EVN vẫn xác định sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện ứng dụng công nghệ số để quản lý và điều khiển hệ thống thông điện thông minh đáp ứng nhu cầu khai thác tối ưu nguồn cũng như hệ thống điện. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn trong phát triển các nguồn điện sạch…

Thứ hai, ứng dụng công nghệ trong công tác quản trị, điều hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động. Trong nhiều năm, Tập đoàn đã và đang thực hiện và ghi nhận được những kết quả trong công tác này.

Thứ ba, con người và cơ chế chính sách, EVN xác định để phát triển khoa học công nghệ cần tiếp tục tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm công tác khoa học công nghệ để có nguồn lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xu thế phát triển khoa học công nghệ trong tương lai.

Đồng thời, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hướng tới văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khoa học - công nghệ để mỗi người coi đây không phải nhiệm vụ mà là nhu cầu tự thân tham gia vào hoạt động khoa học - công nghệ với tinh thần thoải mái và hiệu quả cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

Theo Quyết định số 569/QÐ-TTg, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người…

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evn-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-buoc-dem-phat-trien-369207.html
Zalo