Xanh hóa chuỗi sản xuất dệt may - cần thiết lập chiến lược
Xanh hóa chuỗi sản xuất đang dần trở thành quy định bắt buộc, đòi hỏi các nhà cung ứng hàng dệt may, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đáp ứng.
Nhiều thách thức
Tại Diễn đàn dệt may lần thứ 9 năm 2024, nhiều chuyên gia đã nhận định, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về xanh hóa chuỗi sản xuất, đặc biệt là trước yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy định môi trường từ các thị trường lớn như EU và Mỹ.
Trong đó, với thị trường EU, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho hay, khu vực này đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu, với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Về cơ bản, Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu là trụ cột chính sách quan trọng và định hướng bao trùm, tạo cơ sở để EU điều chỉnh, đề xuất hàng loạt các chiến lược, kế hoạch hành động và luật hóa, chuẩn hóa các gói quy định, chỉ thị mới trên nhiều lĩnh vực như: Khí hậu, năng lượng, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tuần hoàn…
Quy định cụ thể liên quan đến ngành dệt may đáng chú ý là Chiến lược ngành dệt may tuần hoàn và bền vững tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đáng chú ý là Quy định về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững; Chỉ thị về rác thải; chương trình hướng dẫn Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Bà Katrien de Baere - Chuyên gia Tư vấn Phát triển bền vững, KPMG Hà Lan, thông tin, Quy định về thiết kế sinh thái trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may. Quy định này tập trung nhiều vào vòng tuần hoàn của sản phẩm và thiết kế làm sao để sản phẩm đó không dừng ở nước sản xuất mà đến được người tiêu dùng. Sản phẩm tuần hoàn này liên quan nhiều đến nguyên vật liệu sản xuất, đảm bảo thân thiện với môi trường, quy trình sản xuất sạch hơn. “Đây là quy định mới, rất được quan tâm tại EU với yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo phát triển xanh, bền vững từ nguyên vật liệu, quy trình sản xuất đến năng lượng sạch trong sản xuất”, bà Katrien de Baere nhấn mạnh.
Về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, công cụ này nhằm bắt buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu dệt may ở các nước thuộc EU chịu trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời sản phẩm dệt may, bao gồm cả việc quản lý chất thải dệt may.
Mục tiêu là sự đóng góp về tài chính, tùy thuộc vào nhà xuất khẩu hay sản xuất nằm ở đâu trong chuỗi. Chất thải ra của dệt may sẽ được xử lý tại EU và khi xây dựng được cơ sở vật chất, hạ tầng để có công nghệ, khoa học xử lý chất thải đó, EU yêu cầu các nhà sản xuất đóng góp tài chính.
Cùng đó còn có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Bản chất của cơ chế này là thuế áp dụng trên mức độ phát thải của sản phẩm. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon giúp giảm nguy cơ phát thải carbon bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất ở các nước ngoài EU xanh hóa quy trình sản xuất. Tuy hiện nay cơ chế này chưa áp dụng với dệt may nhưng doanh nghiệp trong ngành may mặc cần tiến hành theo dõi, quản lý quy trình sản xuất của mình ngay từ bây giờ vì trong tương lai nhà sản xuất sẽ phải thực hiện.
Ngoài ra, khi xuất khẩu hàng dệt may vào EU, doanh nghiệp phải công bố các thông tin phi tài chính theo Tiêu chuẩn báo cáo bền vững châu Âu với 12 tiêu chuẩn liên quan đến nước, ô nhiễm, đa dạng sinh học, và tuần hoàn, cũng như thông tin xã hội liên quan đến công nhân và người tiêu dùng. Tiêu chuẩn báo cáo bền vững châu Âu của ngành dệt may sẽ được lùi lại 2 năm. Có nghĩa, các tiêu chuẩn này sẽ được công bố vào năm 2026 thay vì 2024.
Giải pháp nào?
Có thể thấy, xanh hóa chuỗi sản xuất hay xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường, tuân thủ và thúc đẩy một ngành công nghiệp xanh.
Để làm được điều này, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Giám đốc Tư vấn chuỗi cung ứng, KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực môi trường và xã hội. Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, bước đầu tiên là lập bản đồ chuỗi giá trị và tăng tính minh bạch của tất cả các bước từ xuất xứ đến bán hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên xem xét chuyển đổi chuỗi cung ứng bền vững một cách toàn diện để phù hợp với xu hướng và thách thức hiện tại. Theo đó, cần thiết lập chiến lược và cấu trúc quản trị; lập bản đồ chuỗi cung ứng và theo dõi thành phần sản phẩm; xác định và giảm thiểu rủi ro; giám sát và cải thiện hiệu suất nhà cung cấp; tăng cường mối quan hệ với nhà cung cấp Đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực của nhà cung cấp để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn.
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Trịnh Thị Thu Hiền, nhận định, việc EU ngày càng mở rộng thêm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với ngành dệt may sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm xã hội, môi trường…
Để vượt qua những thách thức này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề xuất một số giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận thông tin, tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh và số, phát triển bền vững.
Tích cực vận động chính sách đối với EU, hạn chế tối đa rào cản tiếp cận thị trường, tránh tạo thêm gánh nặng về hành chính và chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu; yêu cầu EU tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin để làm rõ các yêu cầu kỹ thuật chi tiết và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp đối với từng nước đối tác, trên cơ sở tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước và hỗ trợ hướng dẫn các bước cụ thể cho doanh nghiệp để đáp ứng các quy định mới.
Nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giầy, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, nhanh chóng xây dựng kế hoạch điều chỉnh sản xuất và xuất khẩu bài bản để kịp thời thích ứng với các yêu cầu, quy định mới, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
Theo đó, đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật số, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn và đảm bảo các quyền lợi cho người lao động. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường.