Phát triển mô hình kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu

Chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất dựa trên nền tảng văn hóa địa phương, kết hợp với lợi thế vùng, miền và công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn biến gay gắt là yêu cầu cấp thiết hiện nay ở vùng đồng bào Khmer Nam bộ.

Đa số công nhân sản xuất mật hoa dừa ở Công ty Sokfarm là phụ nữ dân tộc Khmer. Ảnh: Trần Dũng

Đa số công nhân sản xuất mật hoa dừa ở Công ty Sokfarm là phụ nữ dân tộc Khmer. Ảnh: Trần Dũng

Tỉnh Trà Vinh có diện tích cây dừa lớn thứ hai cả nước, sau tỉnh Bến Tre. Phần lớn sản phẩm thu hoạch là quả thô và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc thương lái Bến Tre. Năm 2018, khi thương lái không mua, dừa Trà Vinh rơi vào cảnh ế ẩm, để mọc mầm. Thương ba mẹ và bà con đồng tộc, chị Thạch Thị Chal Thi, dân tộc Khmer, ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần quyết định khởi nghiệp với cây dừa. Mày mò tìm hiểu, chị mới biết người tiêu dùng trên thế giới đánh giá rất cao giá trị dinh dưỡng của mật hoa dừa và từ năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã chứng nhận trồng dừa thu mật là một ngành nghề phát triển bền vững vì vừa bảo vệ môi trường, vừa cải thiện kế sinh nhai cho người nông dân.

Ban đầu, chị Chal Thi chọn liên kết với những nông hộ nghèo và cận nghèo, không có nhiều đất sản xuất. Chị tính giúp bà con bài toán, giả sử một hộ có 7 cây dừa kế bên hiên nhà, nếu bán quả chỉ thu được 200 nghìn đồng/tháng. Nhưng nếu trồng hoa thu mật, bà con có thể thu được từ 2,8 - 3 triệu đồng/tháng. Trà Vinh có trên 27 nghìn ha dừa, tiềm năng để khai thác mật hoa rất lớn. Đó là động lực để chị Chal Thi thành lập Công ty Sokfarm - doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam kế thừa và nối tiếp ngành nghề thu mật hoa dừa truyền thống của người Khmer Nam bộ. “Sok” trong tiếng Khmer là hạnh phúc. Sokfarm là nông nghiệp hạnh phúc. Mục tiêu của chị là làm ra sản phẩm để mọi người cùng hạnh phúc. Người nông dân hạnh phúc vì có thu nhập từ cây trồng truyền thống. Người tiêu dùng hạnh phúc vì được sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Nhà bán hàng hạnh phúc vì kiếm được tiền từ những giá trị mang đến cho cộng đồng. Nhà sản xuất hạnh phúc vì mình làm được điều có ý nghĩa cho quê hương, cho đồng bào Khmer. Trên nền mục tiêu đó, Sokfarm đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều dòng sản phẩm như: nước uống mật hoa dừa tươi, nước tương mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, hạt ca cao và mật hoa dừa, dấm mật hoa dừa...

Hiện nay, Sokfarm là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất mật và các sản phẩm từ mật hoa dừa. Mỗi tháng, Sokfarm đưa ra thị trường 20.000 sản phẩm thành phẩm, doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Công ty đã xây dựng được mạng lưới 400 nhà phân phối trên toàn quốc. Từ một công nhân ban đầu, hiện nay, Sokfarm đã có 33 công nhân, gần 50 hộ liên kết. Ngoài liên kết với hộ nghèo, hộ cận nghèo, để mở rộng vùng nguyên liệu, công ty đang liên kết với cả hộ trung bình khá, tức là những hộ có từ 5 - 6 công dừa trở lên. Hầu hết cán bộ, nhân viên công ty đều là người Khmer.

Ở Trà Vinh, nếu làm lúa, trên một công đất, người nông dân không đủ tiền sinh nhai. Nhưng cũng trên diện tích đấy, cây dừa có thể cho bà con 5 - 6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập đó đủ để níu chân bà con ở lại quê hướng và gắn bó với cây dừa truyền thống. Hơn nữa, cây dừa có thể chịu được độ mặn 4 - 10‰, thích nghi cao với xu hướng canh tác trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Nông dân thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ảnh: Trần Dũng

Nông dân thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ảnh: Trần Dũng

Có thể thấy, mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa địa phương, kết hợp với lợi thế vùng, miền và công nghệ để khẳng định chất lượng, lan tỏa khả năng tiêu thụ sản phẩm rộng rãi của Sokfarm là một gợi ý tốt, rất cần thiết và cần được khuyến khích nhằm góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho phụ nữ dân tộc Khmer, bởi lẽ Nam bộ đang chiếm tới 88% diện tích dừa cả nước và cây dừa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, cùng với các loại cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu.

Tính đến cuối năm ngoái, vùng Nam bộ có gần 1,4 triệu người Khmer sinh sống, chiếm 4,45% tổng dân số toàn vùng, tập trung đông nhất tại các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Theo điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, khoảng 58% phụ nữ dân tộc Khmer lao động trong ngành nông lâm, thủy sản hoặc liên quan đến nông nghiệp. Nghề nghiệp phổ biến là trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thời tiết vùng Nam bộ đang biến đổi bất thường, thiên tai, khô hạn, xâm nhập mặn, mưa trái mùa, sạt lở đất ven sông, ven biển đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của đồng bào. Trong khi đó, nhiều hộ đồng bào Khmer còn thiếu đất sản xuất, nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề, số lao động thiếu việc làm ổn định còn cao.

Tổng hợp số liệu từ các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống cho thấy, năm 2023, toàn vùng còn 3.129 hộ thiếu đất sản xuất, chiếm 18,46% số hộ toàn khu vực; số lao động chưa qua đào tạo nghề gần 204 nghìn người, chiếm 12,79% tổng số lao động chưa qua đào tạo nghề của toàn khu vực; số lao động thiếu việc làm ổn định chiếm 8,6% tổng số lao động thiếu việc làm toàn khu vực...

Trong một nghiên cứu, Thạc sĩ Trần Hoàng Ngân, Học viện Chính trị cho rằng, đối mặt với những bấp bênh và khó khăn do các yếu tố kỹ thuật, môi trường, thị trường và điều kiện sản xuất ngày càng bất lợi, hoạt động sinh kế phụ thuộc nông nghiệp của phụ nữ dân tộc Khmer sẽ vừa vất vả, vừa thu nhập thấp, dẫn đến đời sống khó khăn, giảm nghèo thiếu bền vững, tình trạng tái nghèo cao...

Trước thực tế đó, 5 năm qua, các tỉnh có đông người Khmer đã tích cực hỗ trợ đồng bào về đất sản xuất, chuyển đổi nghề; giải ngân từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội gần 55 tỷ đồng để tạo quỹ đất phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề cho hộ nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, theo dự báo của các ngành chức năng, biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, trong đó, vùng đồng bào Khmer sẽ chịu tác động mạnh. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm thúc đẩy, tạo cơ hội để phụ nữ Khmer chuyển đổi sang các mô hình phát triển kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế rủi ro, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương, để nông nghiệp thực sự là “bệ đỡ”, mang lại hạnh phúc cho tất cả các bên tham gia vào quy trình sản xuất.

Trần Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-mo-hinh-kinh-te-xanh-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-post483583.html
Zalo