Cử tri trẻ đang ở đâu? - Bài cuối: Đưa nghị trường đến gần người trẻ
Cần nhiều giải pháp đưa nghị trường đến gần hơn với mỗi người trẻ, giúp tâm tư, nguyện vọng của họ đến được với đại biểu dân cử.
Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, trong đó có nhiều buổi tiếp xúc có cử tri trẻ tham dự. Gần đây nhất là các buổi tiếp xúc chuyên đề tại Trường Quân sự Quân khu 3 ở TP Chí Linh, tiếp xúc với công nhân trong tỉnh tại nhà văn hóa trung tâm huyện Cẩm Giàng trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ở những diễn đàn này, người trẻ đã có cơ hội để nêu nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, hữu ích. Trong buổi tiếp xúc cử tri với công nhân tại huyện Cẩm Giàng, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã yêu cầu không nêu những ý kiến đã được chuẩn bị trước và gửi đến đại biểu Quốc hội mà những ý kiến này sẽ được tiếp thu, trả lời sau. Tại hội nghị tiếp xúc này, chỉ nghe những tâm tư, nguyện vọng của công nhân từ đời sống thiết thực.
Ban đầu, nhiều công nhân e dè không dám nói dù được nhiều đại biểu, cán bộ công đoàn khích lệ. Ngay khi có công nhân đầu tiên nêu ý kiến, nhiều công nhân khác mạnh dạn phản ánh những bức xúc dồn nén, những kiến nghị chính đáng của mình. Có công nhân xung phong phát biểu, kiến nghị nhiều lần.
Họ đã nói nhiều về thiết chế văn hóa cho công nhân trong khu công nghiệp, hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, quy định về mức thu phí công đoàn, trợ cấp cán bộ công đoàn… Đây là những tư liệu rất quý, thiết thực cho đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương để nghiên cứu góp ý vào chính sách tại kỳ họp Quốc hội hoặc tìm hướng giải quyết.
Cách điều hành đổi mới, vượt ra khỏi “kịch bản” tiếp xúc truyền thống đã phát huy hiệu quả tức thì và cần được áp dụng trên nhiều diễn đàn hơn. Cách nhìn, niềm tin của cử tri với đại biểu dân cử cũng khác hẳn so với trước khi tham gia buổi tiếp xúc cử tri thiết thực này.
Tuy nhiên, để tham gia buổi tiếp xúc cử tri đó, nhiều công nhân đã phải nghỉ làm, nhiều công đoàn phải thuê xe cho công nhân từ các huyện khác đến huyện Cẩm Giàng để dự buổi tiếp xúc cử tri này.
Do đó, bên cạnh việc đổi mới cách thức điều hành buổi tiếp xúc, cần quan tâm hơn đến việc tổ chức tiếp xúc cử tri ngoài giờ hành chính, tiếp xúc vào ngày nghỉ, tại nhiều địa điểm gần nơi cử tri trẻ làm việc, sinh sống, học tập.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, một giải pháp quan trọng để thu hút nhiều cử tri trẻ đến các buổi tiếp xúc là địa phương cần quan tâm hơn đến đối tượng cử tri trẻ trong thành phần mời dự tiếp xúc cử tri.
“Mỗi buổi tiếp xúc cử tri cũng là một dịp để người trẻ được sinh hoạt chính trị, đại biểu dân cử được lắng nghe người trẻ nói. Do đó, các địa phương nơi tổ chức tiếp xúc cử tri không nên đặt nặng vấn đề về cơ cấu mà cần quan tâm hơn đến đối tượng cử tri trẻ tuổi hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển như hiện nay có thể tính đến phương án tiếp xúc cử tri trên nhiều nền tảng, kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Tới đây, các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương có thể được phát trực tiếp trên fanpage của Báo Hải Dương để thu hút, tiếp nhận những phản ánh, tâm tư của nhiều người trẻ hơn nữa và đại biểu Quốc hội dễ tương tác, lắng nghe, tập hợp ý kiến người trẻ hơn.
Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc chuyên đề để "già trẻ không dự chung một cuộc". Khi đó, người trẻ sẽ dễ bộc bạch hơn khi có nhiều người đồng trang lứa cùng dự. Nhất là ở nông thôn, nếu một người trẻ đi dự cùng những người thân quen trong họ hàng, làng xóm, họ sẽ ngại nói vì lo đi dự tiếp xúc cử tri về lại bị ông này, bà nọ soi xét.
Thay đổi tư duy của cử tri trẻ
Trong khi cơ quan dân cử, địa phương đổi mới hoạt động tiếp xúc, chính các cử tri trẻ cũng cần có sự thay đổi trong nhận thức của bản thân mình.
Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội trẻ nhất tỉnh Hải Dương, người trẻ cần trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để tham gia nhiều hơn các buổi tiếp xúc cử tri.
“Cần tuyên truyền làm thay đổi tư duy, nhận thức của giới trẻ về vai trò, quyền và nghĩa vụ của bản thân đối với đất nước. Khi cử tri trẻ có đủ kiến thức, được tạo thuận lợi để tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri, họ sẽ phản ánh nhiều ý kiến chất lượng tới đại biểu”, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề xuất.
Vốn nghĩ cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND hay nghị trường Quốc hội, chính sách, pháp luật là những điều xa vời với một sinh viên trẻ, chị Nguyễn Ngọc Ánh ở phường Hải Tân (TP Hải Dương), sinh viên năm nhất Trường Đại học Hà Nội nhận ra mình cần thay đổi nhận thức này.
“Thông qua mạng xã hội và càng trải nghiệm cuộc sống, tôi càng thấy rõ những tác động của chính sách, quy định pháp luật với người trẻ. Đó không còn là những thứ xa vời tưởng chỉ có trên tivi hay trong sách mà đi vào cuộc sống của chính những sinh viên, người lao động trẻ. Nhiều nội dung đại biểu Quốc hội phát biểu liên quan đến người trẻ rất gần gũi và rất được quan tâm. Vì vậy mà tôi càng có ý thức sâu sắc hơn về việc phải có sự phản ứng với các sự kiện đó, để góp tiếng nói vào chính sách và từ đó phục vụ, cải thiện chính cuộc sống của mình”, chị Ánh chia sẻ.
Sự nỗ lực thay đổi nhận thức của người trẻ cùng sự sáng tạo, đổi mới của đại biểu dân cử ở địa phương sẽ sớm phá tảng băng ngăn cách, giúp cho cầu nối giữa Đảng, nhà nước với cử tri và nhân dân địa phương ngày càng khăng khít, bền chặt.