Vượt khó khăn, GRDP 9 tháng Hà Nội tăng 6,12%, cao hơn cùng kỳ

Kinh tế - xã hội TP Hà Nội 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn có những biến động khó lường, trong nước biến đổi khí hậu, thiên tai, mưa lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) với cường độ mạnh, sức tàn phá lớn…

Thương mại, dịch vụ du lịch tiếp tục tăng trưởng

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III của Hà Nội ước tính tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%). Thu NSNN trên địa bàn tăng 23,1% và đạt 92,8% dự toán cả năm; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 34,9%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,2%; khách du lịch đến Thủ đô gần 4,6 triệu lượt người, tăng 31,3%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Hà Nội 9 tháng tăng 10,5%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Hà Nội 9 tháng tăng 10,5%

“Trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng chính trị leo thang, diễn biến phức tạp; ở trong nước các tỉnh, TP phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận”- Cục Thống kê TP Hà Nội đánh giá.

Trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 5,74% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,15 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 4,64%).

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay ước tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,53 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 7,02%), trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 17,22%, đóng góp 0,61 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 8,56%, đóng góp 0,87 điểm %; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,55%, đóng góp 0,13 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,38%, đóng góp 0,77 điểm %; giáo dục và đào tạo tăng 6,61%, đóng góp 0,23 điểm %; khoa học và công nghệ tăng 6,49%, đóng góp 0,4 điểm %. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục duy trì tăng trưởng.

TP Hà Nội triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết nối về thương mại điện tử với chủ đề “Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số”; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; tập trung cung cấp hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong dịp Quốc khánh 2/9/2024; chỉ đạo kịp thời đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân một số địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa, lũ phức tạp sau bão.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP phục hồi ấn tượng với tổng kim ngạch 9 tháng đạt 44,9 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu đạt 30,5 tỷ USD, tăng 13%. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ trong 9 tháng năm nay: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 25,4%; hàng dệt may đạt 1,8 tỷ USD, tăng 11%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 29,2%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 10,4%

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan. Toàn TP phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 197 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 143 lượt tăng vốn đầu tư với 220,7 triệu USD; 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các dự án trọng điểm

9 tháng năm 2024, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 34,9%. TP tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô.

Năm 2024, TP Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn. Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.

Cung Thiếu nhi Hà Nội - một trong các công trình lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô đã được khánh thành.

Cung Thiếu nhi Hà Nội - một trong các công trình lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô đã được khánh thành.

Một số công trình, dự án trên địa bàn TP được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, TP (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 10,8%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 37,8% kế hoạch vốn.

Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Dự kiến công trình gắn biển khánh thành vào ngày 08/10/2024 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Dự án được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Ngày 21/9/2024 công trình đã khánh thành đi vào hoạt động, đây là một trong các công trình lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch đầu tư công năm 2024. Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch. Mục tiêu là hoàn thành toàn diện Kế hoạch đầu tư công năm 2024, qua đó tạo cơ sở cho việc hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án đầu tư công không chỉ tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mà còn hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, và cải thiện đời sống của người dân. “Đặc biệt, các dự án liên quan đến hạ tầng giao thông và phòng chống thiên tai sẽ là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững cho Hà Nội”- Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh

Sau cơn bão số 3 với tinh thần trách nhiệm cao của nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TP Hà Nội đã giảm thiểu thấp nhất những thiệt hai do cơn bão gây ra, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thống kê, trong 9 tháng qua kinh tế TP cũng gặp nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng chậm so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp, xây dựng chưa bứt phá được như kỳ vọng; sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai…

Hà Nội tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh minh họa

Hà Nội tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh minh họa

6 giải pháp Cục Thống kê TP đề xuất đó là: tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại.

Tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả những tháng cuối năm; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh;

Bên cạnh đó, tạo cơ chế chính sách, hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp đối với khu vực bị ảnh hưởng do cơn bão số 3; kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm tiêu dùng tăng cao dịp lễ, Tết cuối năm. Bám sát khung thời vụ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại;

Thực hiện tốt Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết của HĐND TP về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngày 2/10 đã ký ban hành Văn bản số 3263/UBND-KTTH về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, lao động nhằm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vuot-kho-khan-grdp-9-thang-ha-noi-tang-6-12-cao-hon-cung-ky.html
Zalo