Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục để khuyến khích nhà giáo có năng lực, kinh nghiệm từ cơ sở giáo dục công lập chuyển sang cơ quan quản lý giáo dục.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Nhà giáo.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu tại hội trường. Ảnh: C.HIỀN

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu tại hội trường. Ảnh: C.HIỀN

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; việc tuyển dụng giáo viên công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nơi không tuyển được giáo viên. Việc điều động giáo viên từ các cơ sở giáo dục về cơ quan quản lý giáo dục, việc bổ nhiệm giáo viên trẻ có năng lực làm cán bộ quản lý giáo dục, thuyên chuyển giáo viên từ cơ sở giáo dục này sang cơ sở giáo dục khác còn nhiều bất cập, cần sớm khắc phục.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đồng tình với việc cần có sự thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục, thực hiện phân cấp, phân công hợp lý trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ động của ngành giáo dục; tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Việc bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo được quy định tại Khoản 5 Điều 21 cho thấy chưa có sự thống nhất nên cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm sự thống nhất trong ngành.

Đối với phụ cấp thâm niên là mức phụ cấp ghi nhận sự đóng góp, sự cống hiến có tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Khoản phụ cấp này có trích đóng BHXH, nếu nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục đến khi nghỉ hưu thì được làm căn cứ tính vào tiền lương hưu. Tuy nhiên, khi nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục thì không được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, làm ảnh hưởng đến cách tính tiền lương hưu. Do đó, đề nghị rà soát, nghiên cứu, bổ sung và đề nghị bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục và không quy định thời hạn bảo lưu tối đa. Có như vậy mới khuyến khích được nhà giáo có năng lực, kinh nghiệm từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục.

Cần có quy định về các quyền của nhà giáo liên quan tới việc làm, môi trường làm việc được bảo vệ an toàn, tôn trọng. Nhà giáo cần được bảo vệ trước bất kỳ sự xâm phạm nào kể cả từ phía học sinh, phụ huynh,… bao gồm các hành vi phạm tội, hành vi phát tán thông tin trái pháp luật. Thường xuyên nắm bắt, rà soát điều kiện, môi trường làm việc ở những khu vực còn nhiều khó khăn để có giải pháp hỗ trợ giúp các nhà giáo yên tâm công tác.

Về chính sách tiền lương và đãi ngộ đối với nhà giáo (từ Điều 27 đến Điều 31), ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh tránh sự trùng lặp giữa các chính sách, đối tượng thụ hưởng trong từng chính sách. Trong đó, cần quan tâm đến giáo viên mầm non, tiểu học, giáo dục trẻ khuyết tật, hòa nhập,… bởi đây là công việc nặng nhọc, mang tính đặc thù.

PV

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202411/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-nha-giao-760369f/
Zalo