'Vườn ươm' những Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú

Xuân Trường là vùng đất cổ nằm bên hữu ngạn sông Chu, quê hương của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trò Xuân Phả và nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu khác. Nơi đây là một trong những địa phương vinh dự và tự hào có 1 Nghệ nhân Nhân dân (NNND), 13 Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) được trao tặng danh hiệu. Đây là lực lượng nòng cốt, là những 'di sản văn hóa sống' đang nỗ lực từng ngày cùng với các thế hệ người dân xã Xuân Trường tiếp tục góp phần lan tỏa, tô đậm thêm truyền thống, mạch nguồn lịch sử - văn hóa, thắp lửa di sản.

Lễ hội làng Xuân Phả.

Lễ hội làng Xuân Phả.

1. Trò Xuân Phả có ở làng tự bao giờ, những người cao niên hay thế hệ sau như NNƯT Bùi Văn Hùng, NNƯT Nguyễn Xuân Lương đều không thể nói cho tường tận. Chỉ biết rằng, từng thanh âm, điệu múa Xuân Phả đã khắc ghi trong tâm trí họ từ những ngày còn thơ bé, khi còn là những cậu bé lẽo đẽo theo chân người lớn đi xem hội. Tình yêu, niềm đam mê cứ thế như hạt giống được ươm mầm, tưới tắm trong mạch nguồn lịch sử - văn hóa truyền thống của quê hương.

Câu chuyện về tình yêu, niềm đam mê cùng những tâm huyết, đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị trò Xuân Phả của NNƯT Bùi Văn Hùng sưởi ấm buổi chiều đông lạnh. Ông Hùng mở đầu câu chuyện: “Tôi sinh ra và lớn lên trên đất làng Xuân Phả nên yêu quý, trân trọng từng giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp, trao truyền. Từ khi mới 12 - 13 tuổi, còn đang sinh hoạt trong đội thiếu niên của làng, tôi đã được cụ Đỗ Ơm chỉ dạy. Lúc bấy giờ, hội làng Xuân Phả luôn diễn ra trong không khí rộn ràng”.

Tuy nhiên, những năm tháng đất nước xảy ra chiến tranh, thanh niên trong làng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khoác ba lô lên đường nhập ngũ, trò Xuân Phả không còn được biểu diễn thường xuyên, dần mai một. Đến năm 1990, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, chính quyền và Nhân dân làng Xuân Phả nỗ lực, quyết tâm khôi phục lại trò Xuân Phả. Ông Hùng chia sẻ: “Đây là thời điểm tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đảm nhận công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên. Với tất cả sự mừng vui, hứng khởi, tôi và nhiều người trẻ trong làng tích cực tham gia đội tập luyện trò diễn Xuân Phả do các cụ cao niên trong làng trực tiếp truyền dạy”.

Trong nhiều năm qua, dù ở cương vị nào, ông Hùng cũng luôn tâm huyết, nặng lòng với việc bảo tồn và phát huy giá trị trò Xuân Phả. Hiện nay, ông Hùng là nhân tố hiếm hoi trong làng có thể diễn thuần thục tất cả các động tác, các điệu trống và tham gia được tất cả các vai diễn của trò Xuân Phả. Từ những hiểu biết cá nhân, ông Hùng đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành khôi phục lễ hội Xuân Phả. Đến nay, lễ hội vẫn luôn được duy trì, phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa – tâm linh của đông đảo Nhân dân trong vùng. Ông Hùng cũng thường xuyên đảm nhận vai trò đạo diễn và trực tiếp tham gia biểu diễn trò Xuân Phả phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa lớn, các kỳ giao lưu, liên hoan, hội diễn trong và ngoài tỉnh, quy mô quốc gia và đạt các thành tích đáng tự hào. Đặc biệt, trò múa Xuân Phả luôn là hoạt động không thể thiếu, ghi dấu ấn đậm nét, góp phần quan trọng làm nên sức hấp dẫn của Lễ hội Lam Kinh diễn ra tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).

Một trong những yếu tố tiên quyết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trò Xuân Phả nói riêng, các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, đó là phải xây dựng được ý thức cộng đồng, khơi dậy tinh thần, thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê trong lòng mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhận thức sâu sắc điều đó, nhiều năm qua, ông Hùng thường xuyên tổ chức truyền dạy trò Xuân Phả cho các tầng lớp Nhân dân địa phương, các em học sinh đang theo học tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã với số lượng mỗi năm khoảng từ 50 - 150 em.

Không dừng lại ở đó, ông Hùng không ngừng tìm tòi, sưu tầm, lưu giữ các tư liệu, hình ảnh, băng đĩa ghi hình... để lưu giữ tri thức về trò diễn mang nhiều nét bí ẩn, độc đáo cần được khám phá này. Ông Hùng đã và đang dày công hoàn thiện bộ sưu tập tượng bằng gỗ mô phỏng các điệu múa của 5 trò diễn Xuân Phả là: Hoa Lang, Ai Lao, Tú Huần (Lục Hồn Nhung), Ngô Quốc, Chiêm Thành.

Với những thành tích, đóng góp ấy, năm 2015, ông Hùng được trao tặng danh hiệu NNƯT; được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa” cùng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Điều đáng trân trọng và tự hào, nhiều học trò được ông Hùng truyền dạy cũng đã trở thành những NNƯT, chung tay góp sức tiếp tục thắp sáng ngọn lửa di sản; vợ của ông Hùng cũng là NNƯT. Được biết, ông Hùng đang làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

2. Theo thanh âm tiếng trống, những điệu múa khéo léo, tinh tế, uyển chuyển của trò múa Xuân Phả, chúng tôi gặp gỡ NNƯT Nguyễn Xuân Lương (64 tuổi, thôn 5, xã Xuân Trường). Nhìn người đàn ông với gương mặt chất phác, nụ cười hiền bước từ ngoài vườn vào với tay chân còn lấm lem đất, vui vẻ mời khách vào nhà, chúng tôi càng thêm yêu mến đất và người nơi đây, càng hiểu thêm về nét đẹp, ý nghĩa của những loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trò Xuân Phả vốn được trình diễn nơi vàng son lộng lẫy, mang đậm yếu tố nghệ thuật cung đình nhưng lại được lưu truyền, gìn giữ trong đời sống văn hóa dân gian, bởi những người dân thuần hậu. Theo thời gian, trò Xuân Phả đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ như báu vật.

Cũng như NNƯT Bùi Văn Hùng, NNƯT Nguyễn Xuân Lương là một trong những người năng nổ, tích cực tham gia đội tập luyện múa trò Xuân Phả do các cụ cao niên trong làng truyền dạy từ năm 1990. Ông Lương hồi tưởng lại: “Thời điểm bắt đầu khôi phục trò Xuân Phả, tôi vừa xuất ngũ về địa phương, được phân công phụ trách đội sản xuất mây tre đan xuất khẩu, sau đó làm trợ giáo cho lớp hướng nghiệp nghề mộc dân dụng của xã. Lúc này, do trụ sở UBND hẹp nên thường lấy khuôn viên của nhà văn hóa xã, nơi chúng tôi cũng đang làm mộc để tập trò”. Ngày được mời tham gia đội tập, ông Lương cảm thấy vui, tự hào: “Vui và tự hào lắm chứ, đâu phải ai cũng được mời tham gia đội tập đâu. Bấy giờ, trong làng chỉ còn 4 cụ có thể truyền dạy trò Xuân Phả; cả đội lúc đó có khoảng 20 người thôi mà” – nói rồi ông Lương cười hiền.

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, với NNƯT Nguyễn Xuân Lương, mãi là những hồi ức, kỷ niệm đẹp không thể quên. Ông Lương bộc bạch: “Ngày ấy, mọi thứ đều khó khăn, từ việc tập luyện, ghi nhớ các động tác cho đến trang phục, đạo cụ. Khi diễn trò, các động tác tay, chân phải linh hoạt, uyển chuyển, nhịp nhàng theo trống, phách nên đòi hỏi người luyện tập phải có tính nhẫn nại, ham học hỏi, chăm chỉ tập luyện. Thế nhưng, tất cả các thành viên trong đội đều nghiêm túc, nỗ lực tập luyện với sự chỉ dạy tận tâm, trách nhiệm của các cụ cao niên trong làng”.

Những người dân làng Xuân Phả yêu trò diễn, tham gia luyện tập, diễn trò bằng tất cả tình yêu, nhiệt huyết, chân thành như vậy. 35 năm đã trôi qua kể từ khi trò Xuân Phả được khôi phục đến nay, đoàn nghệ thuật truyền thống của làng, mà nòng cốt là các NNND, NNƯT đã đưa trò Xuân Phả vượt ra khỏi không gian làng, xã để đi diễn ở nhiều chương trình, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh, quảng bá, lan tỏa nét đẹp văn hóa xứ Thanh đến mọi miền đất nước, ghi tên vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để rồi, mạch nguồn ấy sẽ tiếp tục tưới tắm cho những hạt giống nảy mầm, lớn lên, đơm hoa kết trái, nối dài danh sách các NNƯT, NNND của làng.

Bài và ảnh: Đăng Khoa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vuon-uom-nhung-nghe-nhan-nhan-dan-nghe-nhan-uu-tu-239772.htm
Zalo