Vươn khơi đầu năm

Sáng ngày đầu Xuân lạnh giá, tại các huyện vùng biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng bà con ngư dân tất bật, nô nức “mở bát” những chuyến đi biển đầu tiên. Nhờ thời tiết thuận lợi, ngư dân liên tiếp trúng đậm “lộc biển”. Bãi biển xã Giao Hải (Giao Thủy) từ sáng sớm đã rộn ràng tiếng cười nói của ngư dân, thương lái cũng như người thân đón chờ ở bờ biển.

Ngư dân thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuẩn bị ngư lưới cụ cho những chuyến ra khơi.

Ngư dân thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuẩn bị ngư lưới cụ cho những chuyến ra khơi.

Tranh thủ gỡ từng con cá, ghẹ ra khỏi lưới xếp vào thùng xốp cho thương lái, anh Nguyễn Văn Nam phấn khởi cho biết: “Thời tiết những ngày sau Tết Nguyên đán rất thuận lợi cho việc đánh bắt nên ngư dân các vùng biển trên địa bàn tỉnh đều nhanh chóng ra khơi. Riêng đối với gia đình tôi, từ ngày mồng 3 đã “hẹn” cùng một số anh em đi biển”. Sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt bằng lưới ghẹ, anh Nam thu nhập bình quân từ 1-2 triệu đồng/chuyến/ngày.

Chuẩn bị đá để ướp cá khi đi biển dài ngày.

Chuẩn bị đá để ướp cá khi đi biển dài ngày.

Không chỉ anh Nam, nhiều hộ gia đình ở Giao Hải cũng đã đi biển ngay trong dịp Tết. Trong đó, các thuyền đã đánh bắt được nhiều loại thủy, hải sản có giá trị cao như mực nang, ghẹ, sứa, cá cơm, tôm thuyền... Mặc dù sản lượng đánh bắt không nhiều nhưng bù lại giá bán cao hơn so với bình thường nên ngư dân rất phấn khởi. Từ nghề đi biển truyền thống nhiều hộ gia đình trong xã đã tạo được nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Thành quả của những chuyến vươn khơi bám biển là tôm cá đầy thuyền.

Thành quả của những chuyến vươn khơi bám biển là tôm cá đầy thuyền.

Tại các xã Nghĩa Hải, Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) từ các ngày mồng 3 đến mồng 6 Tết, ngư dân cũng đã tất bật cho những chuyến đánh bắt thủy, hải sản đầu năm. Anh Phạm Minh Thê, xã Phúc Thắng cho biết: “Theo quan niệm của ngư dân vùng biển thì chuyến mở biển đầu năm có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn tâm linh. Nếu chuyến đi biển đầu năm “thuận buồm xuôi gió” thì năm đó chúng tôi sẽ đánh bắt được nhiều, ra khơi, vào lộng an toàn. Chính vì vậy, thuyền nào cũng chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi này”.

Cảnh mua bán tấp nập tại bến cá Giao Hải (Giao Thủy).

Cảnh mua bán tấp nập tại bến cá Giao Hải (Giao Thủy).

Không chỉ ngư dân vùng biển các xã Phúc Thắng, Nghĩa Hải, ngay từ Tết, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các xã: Hải Đông và thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cũng đã tập trung tại Cảng cá Ninh Cơ để bốc xếp ngư lưới cụ, lương thực, tiếp thêm nhiên liệu... tranh thủ thời tiết thuận lợi vươn khơi bám biển. Anh Nguyễn Đức Huấn là chủ tàu đánh bắt xa bờ với công suất 400CV chia sẻ: “Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngư dân một số vùng biển trên địa bàn huyện Hải Hậu chúng tôi “trúng đậm” nhiều loại hải sản, đặc biệt là ruốc biển và cá cơm. Từ ngày mồng 4 tháng Giêng đến nay, nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân đã đánh bắt được số lượng lớn cá cơm, tàu ít thì 1-2 tấn, nhiều thì 4-5 tấn. Cá được nhập tại bến cho thương lái với giá từ 10-15 nghìn đồng/kg... Trừ chi phí xăng dầu, nhân công, có những ngày cao điểm, 1 tàu thuyền có thể thu lãi từ 20-30 triệu đồng”. Theo nhận định của một số ngư dân, với điều kiện thời tiết hiện tại, không hiếm số tàu có thu nhập hàng chục đến vài chục triệu đồng/chuyến biển.

Tàu thuyền cập bến của ngư dân xã Giao Xuân (Giao Thủy).

Tàu thuyền cập bến của ngư dân xã Giao Xuân (Giao Thủy).

Những ngày đầu Xuân năm mới, hàng nghìn ngư dân trong tỉnh đều đã và đang tranh thủ ra khơi đón lộc biển. Tùy vào từng vùng biển hay các cửa lạch, ngư dân chọn ngày mở biển khác nhau. Thành quả từ những chuyến ra khơi vào lộng đầu năm là những tấm lưới nặng trĩu cá, tôm và lấp lánh nụ cười của ngư phủ được mùa đánh bắt. Lộc biển vào những ngày đầu năm mới cũng chính là những tín hiệu vui giúp ngư dân có cuộc sống ấm no hơn, yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202502/vuon-khoi-dau-nam-1ec0d4c/
Zalo