Petrovietnam: Hội nhập sâu rộng - phát triển bền vững

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí không chỉ giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền biển đảo, mà còn tiên phong mở đường cho Việt Nam vươn ra thế giới. Với sự chủ động trong hợp tác quốc tế và phát triển công nghệ, đầu tàu của ngành Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam - đã góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ năng lượng toàn cầu, khẳng định năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Tầm nhìn chiến lược về hội nhập quốc tế

Ngay từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí mạnh, tạo nền tảng cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Trong những năm đầu hình thành, ngành Dầu khí Việt Nam nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ Liên Xô, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế. Sự ra đời của Liên doanh Vietsovpetro năm 1981 là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả và bền vững giữa hai quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu, năm 1959 (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu, năm 1959 (Ảnh tư liệu)

Sau năm 1975, ngành Dầu khí tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong lĩnh vực đào tạo. Các cán bộ kỹ thuật dầu khí đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy tại các trường đại học danh tiếng của Liên Xô, Azerbaijan, Rumani, Hungary, Ba Lan, Pháp... Đây là nền tảng quan trọng giúp ngành Dầu khí Việt Nam phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Năm 1986, tấn dầu thương mại đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ, đánh dấu bước tiến vững chắc của ngành Dầu khí Việt Nam. Chỉ trong hai năm (1988-1990), Petrovietnam đã ký kết 7 hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) với các công ty dầu khí hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài. Đến năm 1992, hàng chục hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế được ký kết, thể hiện đường lối hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, tạo cơ hội cho Petrovietnam mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và các tập đoàn dầu khí Mỹ. Đây cũng là giai đoạn Petrovietnam bắt đầu đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài tại các quốc gia như Liên bang Nga, Malaysia, Algeria... bên cạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Tháng 9/2006, Petrovietnam khai thác tấn dầu thô đầu tiên tại Malaysia, đánh dấu sự thành công của chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Trong giai đoạn 2006-2007, Petrovietnam hoàn thành chiến lược đầu tư ra nước ngoài, thiết lập nền ngoại giao dầu khí, từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Lãnh đạo Petrovietnam đến thăm và làm việc tại Dự án Liên doanh giữa Petrovietnam và Zarubezhneft (Công ty Liên doanh Rusvietpetro), khu vực tự trị Nhenhesky, Liên bang Nga.

Lãnh đạo Petrovietnam đến thăm và làm việc tại Dự án Liên doanh giữa Petrovietnam và Zarubezhneft (Công ty Liên doanh Rusvietpetro), khu vực tự trị Nhenhesky, Liên bang Nga.

Trong giai đoạn 2006-2007, Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài, cũng như tạo lập nền ngoại giao dầu khí. Việc triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam trong giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao và sự tháo gỡ kịp thời của Chính phủ cùng sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành công.

Tính đến tháng 6/2023, ngành Dầu khí có 32 dự án đầu tư ra nước ngoài đã ký kết, gồm 5 dự án tìm kiếm dầu khí, 21 dự án thăm dò dầu khí, 6 dự án mua mỏ và mua trữ lượng. Tổng trữ lượng dầu đã phát hiện và mua quyền sở hữu khoảng 145 triệu tấn dầu thô. Tổng số tiền đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 3,6 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022. Tổng số tiền đã chuyển về nước khoảng 2,5 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022.

Bên cạnh việc mở rộng hợp tác đầu tư, Petrovietnam cũng tích cực tham gia vào các diễn đàn, hội nghị quốc tế về năng lượng và dầu khí, đóng góp vào các thảo luận về các vấn đề quan trọng của ngành. Kể từ khi gia nhập Hội đồng Dầu khí các quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) vào năm 1996, Petrovietnam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của ASCOPE, góp phần xây dựng hình ảnh của Việt Nam trong cộng đồng dầu khí quốc tế. Năm 2019, Kỳ họp ASCOPE lần thứ 45 đã được Petrovietnam chủ trì tổ chức thành công, đánh dấu mốc quan trọng với sự kiện Petrovietnam tiếp nhận nhiệm vụ Ban Thư ký ASCOPE giai đoạn 2019-2024. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị AMEM lần thứ 42 diễn ra tại Lào vào tháng 9/2024, Tổng Thư ký ASCOPE Trần Hồng Nam đã được trao giải “ASEAN Excellence in Energy Management by Individual 2024”, đánh dấu những đóng góp nổi bật trong việc áp dụng các giải pháp năng lượng tiên tiến, sáng tạo, có ảnh hưởng lớn đến chính sách và thực tiễn quản lý năng lượng trong khu vực.

Các đối tác quốc tế đồng loạt đánh giá Petrovietnam không chỉ là một tập đoàn dầu khí mạnh trong khu vực mà còn là một nhân tố quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Với chiến lược hợp tác bài bản, Petrovietnam đang thu hút sự chú ý và kỳ vọng lớn từ các đối tác, sẵn sàng đón nhận cơ hội để phát triển bền vững và khẳng định vị thế trong ngành năng lượng thế giới.

Nền tảng phát triển cho kỷ nguyên năng lượng mới

Bước vào giai đoạn phát triển mới của ngành năng lượng, năm 2024 đánh dấu loạt hợp tác quan trọng, củng cố vị thế Petrovietnam là đối tác chiến lược tin cậy trên thị trường quốc tế. Từ các thỏa thuận với những tập đoàn dầu khí và năng lượng hàng đầu đến cam kết mạnh mẽ trong chuyển đổi năng lượng, Petrovietnam đang đặt nền móng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.

Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, một trong những dự án dầu khí trọng điểm quốc gia, đã đạt bước tiến quan trọng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Petrovietnam và các đối tác Nhật Bản như Mitsui và MOECO. Sự trao đổi thường xuyên giữa các bên giúp hoàn thành các thủ tục pháp lý quan trọng, tạo tiền đề để dự án triển khai theo đúng kế hoạch. Đầu tháng 12/2024, Giàn CPP - trái tim của chuỗi dự án Lô B đã chính thức khởi công xây dựng, đánh dấu một mốc son quan trọng của chuỗi dự án cũng như sự hợp tác hiệu quả giữa Petrovietnam và Mitsui/MOECO.

Đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Mitsui và Công ty MOECO thị sát thực địa chuỗi dự án Lô B.

Đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Mitsui và Công ty MOECO thị sát thực địa chuỗi dự án Lô B.

Song song đó, mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc cũng tiếp tục được củng cố thông qua sự kiện Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 thành công hòa lưới điện quốc gia vào ngày 5/2/2025. Cam kết tài chính từ Tổ chức Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (K-SURE), được ký kết từ đầu năm 2024 với Petrovietnam, đã góp phần hiện thực hóa các dự án điện trọng điểm như Nhà máy điện Sông Hậu 1, Nhơn Trạch 3 và 4, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực dầu khí và năng lượng tái tạo.

Tại Trung Đông, Petrovietnam tiếp tục nâng tầm hợp tác năng lượng. Đầu tháng 11/2024, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn tham dự Hội nghị FII tại Saudi Arabia và ký thỏa thuận hợp tác với Saudi Aramco về kinh doanh dầu khí, hóa dầu và kho chứa năng lượng. Petrovietnam cũng làm việc với ADNOC (Abu Dhabi) và Qatar Energy để bàn thảo hợp tác trong chuỗi cung ứng LNG và các dự án hóa dầu quy mô lớn. Bên cạnh đó, Uzbekistan hay khu vực Nam Mỹ và Caribe đang trở thành những thị trường tiềm năng mới. Tại Hội nghị G20 ở Brazil, lãnh đạo Petrovietnam đã làm việc với Petrobras để thúc đẩy hợp tác trong thăm dò dầu khí, điện gió ngoài khơi và CCS/CCUS. Ở Dominica và Cuba, Petrovietnam tìm kiếm cơ hội mở rộng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sản xuất xăng dầu.

Đối với Tổ hợp hóa dầu Long Sơn - dự án hóa dầu trọng điểm tại Việt Nam, đầu tháng 12/2024, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã làm việc với SCG (Thái Lan) để thảo luận về hợp tác chiến lược trong cung cấp nguyên liệu, bảo dưỡng kỹ thuật và mở rộng đầu tư. Quan hệ hợp tác này không chỉ tối ưu hóa chuỗi cung ứng hóa dầu mà còn nâng cao năng lực sản xuất trong nước, góp phần phát triển bền vững ngành hóa dầu Việt Nam.

Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, đang trở thành điểm sáng trong chiến lược phát triển của Petrovietnam. Đầu tháng 12/2024, Petrovietnam và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tổ chức Lễ hạ thủy và bàn giao lô chân đế điện gió ngoài khơi đầu tiên của dự án CHW2204 cho Ørsted (Đan Mạch). Tiếp nối thành công này, PTSC ký hợp đồng mới cho một dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn hơn tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương và khởi công chế tạo trạm biến áp cho dự án Baltica 02 - một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới tại Biển Baltic (Ba Lan). Những dự án này càng khẳng định năng lực của Petrovietnam trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Bàn giao lô chân đế điện gió ngoài khơi đầu tiên của dự án CHW2204 cho Ørsted (Đan Mạch).

Bàn giao lô chân đế điện gió ngoài khơi đầu tiên của dự án CHW2204 cho Ørsted (Đan Mạch).

Không dừng lại ở đó, Petrovietnam tiếp tục mở rộng hợp tác với các tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu Đan Mạch và Phần Lan. Trong chuyến công tác đầu tháng 12/2024, lãnh đạo Petrovietnam đã làm việc với Vestas, Merus Power, Wärtsilä để tìm kiếm cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi, tối ưu hóa tích hợp năng lượng tái tạo và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Đồng thời, hợp tác với Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) và Equinor (Na Uy) giúp Petrovietnam tiến xa hơn trong phát triển công nghệ và chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Những bước đi này góp phần hiện thực hóa mục tiêu 6.000 MW công suất điện gió vào năm 2030 của Việt Nam.

Bên cạnh hợp tác với các đối tác lớn tại châu Âu, Petrovietnam cũng tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Tháng 11/2024, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Petrovietnam và Petronas đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác năng lượng tái tạo. Đây là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác hơn 30 năm giữa hai tập đoàn, hướng tới giảm phát thải CO₂, ứng dụng công nghệ xanh và phát triển năng lượng sạch.

Song song với chiến lược chuyển đổi xanh, Petrovietnam cũng tập trung vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu suất vận hành. Trong năm qua, Petrovietnam đã ký hai Biên bản ghi nhớ với General Electric (GE) và Kellogg Brown & Root (KBR) - hai tập đoàn hàng đầu về công nghệ và năng lượng. Hợp tác với GE giúp áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành các dự án năng lượng, tối ưu hóa sản xuất. Trong khi đó, KBR cung cấp các giải pháp chuyển đổi năng lượng tiên tiến, giảm phát thải carbon và phát triển nhiên liệu bền vững. Những thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến quan trọng, giúp Petrovietnam bắt kịp xu hướng công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới (WB) đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Petrovietnam thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Cuối tháng 12/2024, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã có buổi tiếp và làm việc với bà Mariam Sherman, Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào. WB đã cam kết hỗ trợ Petrovietnam thông qua các chương trình tài trợ vốn ưu đãi, tư vấn chính sách và chuyển giao công nghệ để triển khai các dự án năng lượng sạch.

Lãnh đạo Petrovietnam tiếp Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào, ngày 17/12/2024 tại Hà Nội.

Lãnh đạo Petrovietnam tiếp Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào, ngày 17/12/2024 tại Hà Nội.

Trọng tâm hợp tác giữa WB và Petrovietnam tập trung vào điện gió ngoài khơi, thu hồi và lưu trữ carbon (CCS/CCUS), sản xuất hydrogen và amonia xanh. WB khẳng định sẽ cung cấp các gói hỗ trợ tài chính dài hạn, giúp Petrovietnam huy động nguồn vốn lớn để triển khai các dự án quy mô lớn theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, WB cũng cam kết hỗ trợ Petrovietnam trong việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án năng lượng tái tạo được triển khai một cách hiệu quả, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành năng lượng Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới đang đẩy nhanh quá trình giảm phát thải và tiến tới trung hòa carbon, Petrovietnam không chỉ chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế mà còn tích cực nâng cao nội lực, tối ưu hóa chuỗi giá trị dầu khí và năng lượng tái tạo. Những dự án chiến lược, từ phát triển nguồn tài nguyên truyền thống đến đầu tư vào năng lượng mới, sẽ là nền tảng vững chắc để Tập đoàn duy trì vị thế dẫn đầu, đóng góp quan trọng vào an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Với những bước đi bài bản, tầm nhìn dài hạn và sự đồng hành của các đối tác lớn trên thế giới, Petrovietnam không chỉ hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu khu vực mà còn góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng bền vững của châu Á./.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/petrovietnam-hoi-nhap-sau-rong-phat-trien-ben-vung-724276.html
Zalo