Vững vàng giữa biến động
Điểm nổi bật sau mùa đại hội cổ đông 2025 là sự vững vàng của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường.

Thăng trầm của nền kinh tế trong những năm gần đây đã “tôi luyện” bản lĩnh của các doanh nhân Việt Nam
Kinh nghiệm và dữ liệu giúp ứng phó rủi ro
Nhận định của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI, đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán có ba phiên bị bán tháo liên tiếp dưới tác động của cú sốc thuế quan, “thuế quan có tác động tiêu cực nhưng không có lý do gì thị trường phản ứng như tận thế…” có lẽ là cảm nhận chung của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại thời điểm đó.
Thế hệ doanh nhân 6x như ông Hưng đã trải qua nhiều giai đoạn biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, do ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao, xung đột địa chính trị, đại dịch Covid, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đổ vỡ năm 2022… Thế hệ doanh nhân này đã trưởng thành và ngày càng giàu kinh nghiệm trong việc ứng phó với khủng hoảng, những khó khăn của thị trường. Vì thế, doanh nghiệp không chỉ vượt qua thách thức mà còn tận dụng được cơ hội để vươn lên.
Thế hệ lãnh đạo trẻ hơn cũng trải nghiệm nhiều thăng trầm của nền kinh tế. Trong cuộc gặp với các nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đăng Trình, Tổng giám đốc Tổng công Dầu Việt Nam (PVOIL) chia sẻ: “Chúng tôi thức đến tận 2 - 3h sáng để cập nhật thông từ thị trường Mỹ, xem Trump nói gì, vì mỗi thông tin đều có ảnh hưởng đến giá xăng dầu ngày hôm sau”. Tân Tổng giám đốc của PVOIL sinh năm 1982, có 20 năm công tác trong ngành dầu khí. Lần đầu tiên ông Trình xuất hiện trước các cổ đông PVOIL trên cương vị Tổng giám đốc là trong quý I vừa qua. Thời điểm đó, giá dầu giảm mạnh nhưng PVOIL đã gần đạt đến điểm hòa vốn, thay vì phải gánh lỗ.
Mùa đại hội cổ đông 2025 có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ với nhiều doanh nghiệp, khi kế hoạch kinh doanh đã lên từ tháng 12/2024 nhưng có khả năng phải điều chỉnh trước tác động khó lường từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi vậy, câu hỏi thường trực ở hầu hết các đại hội là: Chính sách thuế quan của Mỹ có tác động gì tới doanh nghiệp? Doanh nghiệp có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh? Nhiều doanh nghiệp trải qua nhiều sự kiện “thiên nga đen”, có bản lĩnh và tâm thế vững vàng đã đưa ra những câu trả lời rành mạch, dù phải thừa nhận đang rất thách thức trong việc ứng phó với biến động.
Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp ra sao và doanh nghiệp sẽ chịu tác động ra sao nếu có chiến tranh thương mại - câu hỏi này được cổ đông Bidiphar - công ty sản xuất thuốc ung thư duy nhất niêm yết trên sàn, đặt ra cho Ban lãnh đạo Công ty. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Bidiphar thẳng thắn chia sẻ, doanh thu xuất khẩu của Công ty trong năm 2024 là gần 21 tỷ đồng, khiêm tốn so với tổng doanh thu của doanh nghiệp, chủ yếu là thuốc kháng viêm, kháng sinh, do năng lực phát triển thị trường quốc tế của Công ty còn hạn chế.
Nếu có chiến tranh thương mại, bà Hương cho biết, Bidiphar sẽ đối diện nhiều thách thức: Thứ nhất, chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy, dẫn đến rủi ro vi phạm các gói thầu thuộc kênh bệnh viện. Do đó, Công ty cần phải có kế hoạch dự trữ nguyên vật liệu để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn và quản lý các rủi ro tiềm ẩn; thứ hai, giá nguyên vật liệu có sự biến động tăng, giảm và việc nhập khẩu nguyên liệu cần nhiều thời gian, do đó, cũng ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, doanh thu, tồn kho sản phẩm của Công ty; thứ ba, lạm phát, biến động tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam sẽ làm tăng giá đầu vào và làm giảm biên lợi nhuận Công ty.
Tương tự, giải đáp cho câu hỏi về việc mở rộng kênh phân phối bán lẻ nhà thuốc, bà Hương chia sẻ, định hướng của Công ty trong các năm tới là đa dạng hóa các kênh phân phối, tuy nhiên việc hợp tác với chuỗi nhà thuốc cũng gặp nhiều thách thức, vì các nhà phân phối thuộc kênh này yêu cầu tỷ lệ chiết khấu cao và Công ty không thể chấp nhận được. Khi chuyển hết qua kênh phân phối chuỗi nhà thuốc thì Công ty có thể bị lệ thuộc, nên Bidiphar hết sức cân nhắc khi đàm phán với các nhà phân phối để giữ được thế chủ động trên thị trường.
Cách trả lời trực diện, không né tránh vấn đề của bà Hương đã nhận được sự tán thưởng của nhiều cổ đông, trong đó có các cổ đông đại diện ủy quyền của các quỹ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex, doanh nhân thế hệ 8x cũng thể hiện tâm thế vững vàng trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Theo ông Tuấn, Gelex đã xây dựng được một hệ thống quản trị bài bản từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Gelex đang tập trung củng cố hệ thống thông qua việc đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số…
Ở giai đoạn này, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nhanh chóng có số liệu đầu vào để đánh giá rủi ro. Chính sách thuế đối ứng của Mỹ có khả năng giảm 2% tăng trưởng GDP, trong kịch bản xấu, đã được các công ty chứng khoán nhanh chóng tính ra, giúp nhà đầu tư ước lượng được ảnh hưởng tiêu cực. Ở cấp độ vi mô, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các con số định lượng cụ thể về ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp mình.
Các ngân hàng lớn đều đưa ra con số tín dụng cụ thể cho các khách hàng có doanh số xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nhóm cảng biển như Gemadept lập tức công bố thông tin về doanh số vận tải đi Mỹ của từng cảng gửi đến cổ đông. Nhóm doanh nghiệp dệt may, thủy sản và xuất khẩu đều nhanh chóng được dự đoán doanh thu chịu ảnh hưởng từ Mỹ. Những con số đó hữu ích với việc điều hành kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như giúp cổ đông đánh giá được mức độ rủi ro của câu chuyện thuế quan đến doanh nghiệp mình bỏ vốn đầu tư.
Không ít doanh nghiệp còn tự tin có thể đa dạng nguồn doanh thu để bù đắp phần sụt giảm của thị trường Mỹ. Ngay cả lĩnh vực tưởng như nhạy cảm nhất với chính sách thuế đối ứng là dệt may thì các doanh nghiệp trong ngành cũng không quá bi quan, bởi việc mất đi một thị trường nhẹ nhàng hơn việc đóng băng toàn bộ hoạt động doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch Covid-19, mà các doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng vì Covid. Tăng trưởng có thể chậm lại, doanh thu và lợi nhuận có thể suy giảm nhưng doanh nghiệp không dễ thua lỗ.

Những thông tin từ đại hội cổ đông giúp nhà đầu tư vững lòng hơn
Tài chính khỏe là bộ đệm
Một điểm nhấn đáng lưu ý là để củng cố niềm tin của cổ đông, không ít doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch mua cổ phiếu quỹ hoặc khẳng định năng lực tài chính khỏe.
Tại đại hội cổ đông của MB mới đây, trước ý kiến của cổ đông về việc Ngân hàng nên cân nhắc lại kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, cũng như kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ vì bản chất của việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức là để tăng vốn điều lệ, trong khi việc mua cổ phiếu quỹ lại làm giảm vốn, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho rằng, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ hỗ trợ quyền lợi cho cổ đông trong tình huống có vấn đề xảy ra. Đây cũng là biện pháp để ổn định thanh khoản, giữ niềm tin của nhà đầu tư.
Còn tại đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Gemadept, bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Tài chính Công ty cho biết, Gemadept hiện có 5.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền sẵn sàng cho nhu cầu đầu tư hay tận dụng cơ hội mua bán sáp nhập. Tới đây, Gemadept còn chuyển nhượng phần góp vào cảng đã mua của đối tác nước ngoài trước kia để thu hồi vốn đã đầu tư, đồng thời có thêm đối tác để cùng phát triển cảng.
Ban lãnh đạo Gemadept đã đồng loạt đăng ký mua vào cổ phiếu khi giá sụt giảm mạnh, đồng thời công bố các giải pháp quản trị rủi ro từ biến động thuế quan.
Tập đoàn Hoa Sen tiên liệu trước những khó khăn của ngành hàng tôn thép và thông qua nghị quyết về việc mua cổ phiếu quỹ. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen nhấn mạnh, đây là biện pháp dự phòng để bảo vệ lợi ích cổ đông trong khi thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp.
“Công ty không thiếu tiền và đang sử dụng vốn với chi phí lãi rất thấp, nên có thể mua ngay. Tuy nhiên, chúng tôi xin cổ đông duyệt chủ trương trước, khi cần sẽ tung tiền ra mua. Thực tế, mua bao nhiêu và khi nào mua thì Hội đồng quản trị sẽ quan sát thị trường để quyết định”, ông Vũ nói.
Sự chủ động của Hoa Sen cho thấy tầm nhìn của Ban lãnh đạo Công ty sau nhiều sóng gió của thị trường thép. Từng lãi to và lỗ lớn trong mỗi đợt giá thép biến động, nhưng đến thời điểm này, Hoa Sen đã tìm được điểm cân bằng, không đầu cơ nguyên liệu và củng cố năng lực tài chính để phát triển ổn định trong môi trường biến động khó lường. Thị giá cổ phiếu HSG hiện dưới 14.000 đồng/cổ phiếu là mức giá mà HSG dự định mua cổ phiếu quỹ như thông tin chia sẻ tại đại hội cổ đông và công ty này đang thực hiện các thủ tục để mua vào.
Thủ tục mua cổ phiếu quỹ hiện nay không dễ dàng như trước kia và sau khi mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ. Việc doanh nghiệp quyết tâm mua cổ phiếu quỹ cho thấy ý chí của ban lãnh đạo trong việc bảo vệ lợi ích cổ đông cũng như tự tin với giá trị nội tại của doanh nghiệp.
“Thị trường chứng khoán đôi khi biến động nằm ngoài dự đoán của chúng ta, nên nhà đầu tư cần bình tĩnh… Lợi nhuận quý I/2025 của PNJ không tệ để cổ phiếu có lúc giảm 35% như giai đoạn qua”, giám đốc một công ty đầu tư gửi tới khách hàng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)
Trong tất cả các báo cáo từ phía Ban điều hành đến Hội đồng quản trị, chúng tôi đều xác định rõ: Để PSI có thể nâng cao năng lực tài chính, phát triển các hoạt động kinh doanh và mở rộng thị phần, tăng vốn là điều tất yếu.
PSI đang như “một thanh niên khỏe mạnh” có khả năng bứt phá rất tốt nhưng lại bị bó trong một chiếc áo quá chật. Đó chính là quy mô vốn điều lệ hiện tại (600 tỷ đồng). Điều này khiến Công ty gặp nhiều hạn chế trong việc triển khai các kế hoạch dài hơi. Tuy nhiên, việc tăng vốn hiện đang gặp một số vướng mắc do đặc thù mô hình sở hữu và quản lý.
PSI hiện là công ty con của PVcomBank (nắm 52% vốn), trong khi PVcomBank lại thuộc sở hữu chi phối (51%) của Tập đoàn Dầu khí. Như vậy, về mô hình quản lý, PSI phải chịu sự điều phối từ Ngân hàng mẹ (PVcomBank), Ngân hàng Nhà nước (do PSI trực thuộc tổ chức tín dụng), Tập đoàn Dầu khí và Bộ Tài chính. Với 4 cấp quản lý như vậy, thủ tục để thực hiện tăng vốn là rất phức tạp, nên PSI cần tháo gỡ được các cơ chế, thủ tục liên quan đến quản trị và quyền phê duyệt ở các cấp này.
Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, với việc tái cấu trúc mô hình sở hữu, cũng như điều chỉnh chính sách quản lý giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, PSI sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để triển khai phương án tăng vốn. Khi đó, chúng tôi sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh, khai thác hiệu quả hơn hệ sinh thái khách hàng và hạ tầng sẵn có.