Nghị quyết 68: Bước đột phá thứ ba trong phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68, nếu triển khai tốt, sẽ tạo nên bước đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Chiều 9-5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay".

Nghị quyết 68 là bước đột phá thứ ba

Chia sẻ về cảm nhận sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, ĐBQH, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

Khẳng định vị trí quan trọng của khu vực này, ông Hiếu dẫn lại 2 dấu mốc trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ nhất là giai đoạn 1978-1990, khi kinh tế tư nhân được thừa nhận và bắt đầu cho phép được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định.

Mốc thứ hai là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, vào năm 1999-2000. Đây là một mốc lớn, thay đổi một bước nữa về quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân.

Quan điểm thứ nhất là thay đổi từ việc kinh tế tư nhân chỉ được làm trong một số lĩnh vực mà nhà nước cho phép chuyển sang việc được làm, được kinh doanh trong những ngành nghề mà nhà nước không cấm.

 ĐBQH, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: VGP

ĐBQH, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: VGP

Theo ông Hiếu, trước năm 2000, chúng ta mất rất nhiều thời gian, có thể từ 1 năm đến vài năm với điều kiện rất ngặt nghèo để thành lập công ty, sau này thì việc thành lập rất dễ dàng, có thể tính bằng ngày, bằng giờ.

Trong suốt từ thời gian đó đến nay, chúng ta vẫn liên tục cải cách. Tuy nhiên, việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này, nếu triển khai thực hiện tốt thì đây có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Và ông so sánh sự đột phá lần này khác với hai lần đột phá trước.

"Nhìn sâu hơn, có thể thấy Nghị quyết 68 sẽ giúp thay đổi khu vực kinh tế tư nhân về chất. Bởi tất cả các giải pháp trong nghị quyết này cho thấy ba nhóm mục tiêu mà Bộ Chính trị mong muốn".

Thứ nhất là tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường. Thông điệp ở đây rất rõ là xóa bỏ các rào cản hành chính trong quá trình hoạt động. Đó là cách giảm 30% thủ tục quy định chi phí tuân thủ. Đây là một sự tiến lên rất lớn so với thời điểm những năm 2000.

Thứ hai là tăng mức độ bảo vệ, việc xử lý trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân theo hướng không hình sự hóa sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho khu vực này.

Thứ ba là khơi thông nguồn lực. Đó là giúp khu vực này tiếp cận nguồn lực với đất đai, nguồn lực về mặt bằng sản xuất kinh doanh, về vốn, nhân sự. Trong này, có một nhóm giải pháp ẩn, mang tính chất khơi thông nguồn lực rất lớn, đó là thúc đẩy nhanh và hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp.

"Với 3 cải cách mà tôi vừa nói sẽ xóa bỏ sự phiền hà, tăng mức bảo vệ và khơi thông nguồn lực thì đây sẽ là dấu mốc thứ ba giúp thay đổi chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu mục tiêu phát triển kinh tế đất nước 2030-2045", ông Hiếu chia sẻ.

Bỏ 'bức tường' điều kiện kinh doanh

Còn bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) khẳng định, Nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước.

Ví dụ như về điều kiện kinh doanh - một "bức tường" rất khó tháo gỡ - thì nay nghị quyết nêu rõ: Chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. "Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng", bà Thủy nói.

 Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DNTN và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) khẳng định, Nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước. Ảnh: VGP

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DNTN và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) khẳng định, Nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước. Ảnh: VGP

Vẫn theo bà Thủy, một điểm rất quan trọng là niềm tin của Đảng và Nhà nước đối với khu vực tư nhân. Trước đây, trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. Có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn.

Nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Không chỉ dừng ở trên Nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể.

"Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi tin rằng việc thực thi sẽ là yếu tố quyết định thành công", bà Thủy nhấn mạnh.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-68-buoc-dot-pha-thu-ba-trong-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post848917.html
Zalo