Siết quản lý tài sản ảo, tài sản mã hóa
Việc bổ sung các khái niệm, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa… và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Chiều 9-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm liên quan đến các quy định về tài sản số.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: PHẠM THẮNG
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết có ý kiến cho rằng cần xây dựng một khung pháp lý tài sản số quy định chi tiết các vấn đề cốt lõi, xác định ngay các nội dung phải thực hiện (quyền tài sản, quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, trách nhiệm, giải quyết tranh chấp, quản lý rủi ro)... Việc này vừa đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế, đồng thời thiết lập cơ chế quản lý, giám sát, phòng ngừa rủi ro.
Ý kiến này cũng đề nghị làm rõ tài sản số có thể sử dụng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư hay không; làm rõ về nội hàm, tiêu chí phân loại tài sản số.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn một số nội dung cốt lõi trong quản lý nhà nước về tài sản số. Những nội dung này bao gồm việc tạo lập, phát hành, lưu trữ, lưu ký, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu tài sản số; quyền, nghĩa vụ của các bên đối với hoạt động có liên quan đến tài sản số.
Ngoài ra, còn có các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phòng, chống rửa tiền, khủng bố; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản số; điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa; phát hành tài sản mã hóa...
Thẩm quyền, quản lý với tài sản số, tài sản ảo trên môi trường điện tử, tài sản mã hóa trong lĩnh vực chuyên ngành được thực hiện theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Cạnh đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức làm việc với các cơ quan hữu quan gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Blockchain…
Qua làm việc, một số ý kiến đề nghị bổ sung các khái niệm, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NFT, các mã thông báo… và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG
Nêu ý kiến góp ý, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đánh giá quy định về tài sản số (Điều 49 dự thảo luật) là điểm mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra lâu nay. Theo đó, quy định này phân loại tài sản số làm ba nhóm là tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác.
Về tiêu chí phân loại, khoản 1, Điều 50 dự thảo luật quy định tài sản số được phân loại theo một hoặc một số tiêu chí gồm mục đích sử dụng, công nghệ và tiêu chí khác. Tuy nhiên, đại biểu đoàn Bình Định cho rằng tiêu chí phân loại của ba nhóm này có những điểm chưa hợp lý, rõ ràng.
Theo ông Ba, tài sản ảo là sản phẩm được đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số nhưng phải gắn với môi trường ảo cụ thể chứ không thể nói chung chung. Chẳng hạn, tài sản ảo là vàng thì phải được gắn trong môi trường trò chơi game, trong hệ sinh thái game…
“Do vậy, việc phân loại là nhằm mục đích đưa ra cơ chế quản lý của sự khác nhau, kể cả quá trình tạo ra cũng như vấn đề về giao dịch loại tài sản này” - ông Đồng Ngọc Ba phân tích và cho hay trên thế giới, tài sản mã hóa thường được gắn liền với công nghệ Blockchain…, trong đó điển hình của tài sản mã hóa là Bitcoin, Token bất động sản, NFT… Và từ những tài sản phổ biến như thế, chúng ta có thể khái quát các tiêu chí kỹ thuật để phân biệt ba nhóm tài sản số này và đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.
Mặt khác, dự Luật công nghiệp công nghệ số dự kiến được ban hành trong bối cảnh cùng lúc đang sửa đổi, bổ sung nhiều dự luật khác, do đó ông Đồng Ngọc Ba đề nghị cần rà soát các quy định liên quan để có sự tương thích.