Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tăng tốc

Bên cạnh việc đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ đang tìm giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các loại hình kinh tế mới cùng với mở rộng không gian kinh tế.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh NGỌC TRÂM)

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh NGỌC TRÂM)

Bài 2: Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Phát triển các loại hình kinh tế mới

Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thành phố Hà Nội đã chuyển đổi cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Khoảng 85% số nhiệm vụ sau nghiệm thu đã được triển khai trong đời sống, sản xuất, góp phần thiết thực phát triển kinh tế-xã hội.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ chuyển đổi số theo mức độ; đồng hành cùng các doanh nghiệp thành lập mới.

Hiện Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 32 tổ chức ươm tạo và 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; hình thành 16 quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo.

Đối với Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và xây dựng Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển hàng đầu của cả nước.

Tính đến hết tháng 3 vừa qua, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% số đơn vị y tế công lập triển khai thành công bệnh án điện tử; đồng thời có 3 trung tâm y tế tuyến huyện đầu tiên cả nước xây dựng xong mô hình bệnh viện không giấy tờ.

Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai các chỉ tiêu trong Đề án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh các khu công nghiệp; nghiên cứu ban hành chính sách đột phá thúc đẩy khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đó, tỉnh đã ra mắt “Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh”, bước đầu có cơ chế đầu tư mở, chấp nhận rủi ro, giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển khoa học và công nghệ, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo, khởi nghiệp, dấn thân cống hiến của đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Ngay ngày đầu ra mắt, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ lên tới 12,5 tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh động lực tăng trưởng truyền thống, các địa phương trong vùng KTTĐ Bắc Bộ thúc đẩy phát triển mạnh những ngành kinh tế mới, kinh tế xanh. Trong chuyến xúc tiến đầu tư vừa qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Tập đoàn Samsung xem xét mở rộng đầu tư tại Vĩnh Phúc, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ cao; đề nghị Tập đoàn Honda Motor tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất tại Vĩnh Phúc, nâng công suất các dòng xe máy điện, ô-tô điện.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, ngay trong quý I/2025, tỉnh đã khởi công một số dự án lớn liên quan đến điện, giao thông, phát triển nhà ở xã hội; bố trí tối đa nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, phát triển các khu công nghiệp. Vĩnh Phúc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Một số hướng đi mới đang được định hình nhằm đa dạng hóa thu hút đầu tư.

Mới đây, tại huyện Tam Đảo, đã xây dựng Tổ hợp trang trại và nhà máy chế biến thịt bò Tam Đảo trị giá 500 triệu USD trên tổng diện tích 75,6ha, gồm 2 phân khu chính: Trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô 10.000 con và Nhà máy chế biến thịt bò, công suất lên tới 30.000 con/năm, tương đương sản lượng 10.000 tấn thịt/ năm. Dự án này đã kích thích ngành chăn nuôi của Vĩnh Phúc và khu vực lân cận phát triển mạnh.

Về kinh tế du lịch, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tam Đảo 2 tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo đang được triển khai, với hệ thống cáp treo, khu nghỉ dưỡng cao cấp, có tuyến đường nối liền Tam Đảo 1 với Tam Đảo 2, tương lai sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ du lịch Vĩnh Phúc.

Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 12% trong năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cho biết: Tỉnh định hướng, yêu cầu các khu công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng, cần nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để lấp đầy các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư hơn 1 ha, cao hơn trung bình các tỉnh lân cận (tối thiểu đạt khoảng 9 triệu USD/ha); tập trung vào các lĩnh vực công nghệ AI, mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, chip, vật liệu bán dẫn và một số lĩnh vực công nghệ cao khác.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2025, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,5%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, để tạo động lực mới cho tăng trưởng, thành phố tập trung mở rộng không gian kinh tế, thành lập mới một số khu, cụm công nghiệp; tập trung cao thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư mở mang phát triển sản xuất, kinh doanh và phát triển các khu đô thị mới; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị hiện đại,…

Ngay trong các tháng đầu năm 2025, cùng với cuộc “cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện thủ tục cho thành lập Khu kinh tế ven biển phía nam; gấp rút hoàn thành Đề án và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới; đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Tiên Thanh, Xuân Cầu, Nam Tràng Cát, Tràng Duệ 3, Khu công nghiệp Nhật BảnHải Phòng giai đoạn 2…

Trong đó, Khu kinh tế ven biển phía nam sẽ tạo điều kiện để Hải Phòng thí điểm cơ chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực từ trong và ngoài nước để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 10%-10,5%, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, tạo được đột phá trong đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư phát triển, quyết không để dự án phải chờ mặt bằng.

Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông-xây dựng tỉnh Trần Văn Sơn cho biết: Ban xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn, kế hoạch tiến độ triển khai từng dự án và phân công trách nhiệm lãnh đạo, theo dõi đến từng dự án. Tỉnh quyết tâm hoàn thành một số dự án giao thông lớn, có vai trò động lực tăng trưởng; trong đó, phấn đấu thông xe kỹ thuật đường song hành thuộc dự án đường vành đai 4, dự án đường Tân Phúc-Võng Phan; khởi công dự án tuyến đường kết nối di sản văn hóa dọc sông Hồng; đường vành đai 3,5; cầu Hải Hưng qua sông Chanh kết nối tỉnh Hưng Yên và Hải Dương…

Ngay trong tháng 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa 19 đã quyết nghị, thông qua phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lần thứ 9, trong đó điều chỉnh tăng hạn mức ngân sách tỉnh hỗ trợ cho một số dự án quan trọng.

Với quyết tâm về đích toàn bộ dự án trong năm nay, tại các gói thầu dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản hoàn tất. Tại dự án cầu Kênh Vàng kết nối Bắc Ninh và Hải Dương, có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng đang được khẩn trương thi công, phấn đấu hợp long trong tháng 9 tới và hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2026, vượt tiến độ một năm so với kế hoạch.

Kết quả tăng trưởng quý I/2025 của vùng KTTĐ Bắc Bộ là bước chạy đà cho những quý tiếp theo, nếu các địa phương tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng như quý I thì tăng trưởng kinh tế của cả nước hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng GDP 8% của năm nay.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vung-kinh-te-trong-diem-bac-bo-tang-toc-post874791.html
Zalo