Ông Đỗ Minh Phú: TPBank sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi thuế quan
Dù dư nợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu của TPBank chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ nhưng theo Chủ tịch tịch TPBank Đỗ Minh Phú, ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Mức độ ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ không nhiều
Sáng 24/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB), chia sẻ về ảnh hưởng của chính sách thuế quan Mỹ đến ngân hàng, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã có ít nhất ba buổi họp để đánh giá tác động của thuế quan Trump đến nền kinh tế cũng như ngân hàng.
Tuy nhiên, TPBank tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ, đến nay chưa có thay đổi thì ngân hàng cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu kinh doanh đề ra, chưa có sự điều chỉnh hay thay đổi.
"Nước đến đâu bắc cầu đến đấy. Hiện tại chúng tôi chưa có sự chuẩn bị nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó. Chúng tôi đã có một số kịch bản ứng phó. Trước hết, nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng sẽ nâng cao khả năng kiểm soát nợ xấu.
Nếu khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ thuế quan, TPBank sẵn sàng chia sẻ, sử dụng lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng. Thời gian tới, dù kế hoạch kinh doanh không đạt 9.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng tin rằng cổ đông hiểu và ủng hộ điều đó", Chủ tịch TPBank nhấn mạnh.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank phát biểu tại Đại hội.
Ngoài ra, ngân hàng cũng có kịch bản giảm bớt chi phí không cần thiết, xác định những dự án đầu tư trong tương lai thì sẽ không tiến hành luôn để đảm bảo nguồn vốn bệ đỡ cho ngân hàng.
Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, mục tiêu cao nhất luôn là đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, mục tiêu này sẽ được đặt lên trước mục tiêu lợi nhuận.
Thông tin thêm về vấn đề thuế quan, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết tổng danh mục dư nợ của khách hàng xuất nhập khẩu liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ chỉ rơi vào khoảng 10.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ ngân hàng.
Trong đó, phần lớn doanh số xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 20% tổng doanh thu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Ngân hàng cũng đã có sự rà soát, xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng với những trường hợp khách hàng có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Đối với doanh nghiệp FDI, ông Hưng cho biết các doanh nghiệp này đa số chỉ sử dụng dịch vụ thanh toán, mua bán kinh doanh ngoại tệ hay dịch vụ khác chứ không vay ngân hàng. Các doanh nghiệp này thường có xu hướng vay ở ngân hàng chính quốc nhiều hơn.
Nếu có chịu ảnh hưởng thì chỉ có khoảng 2 - 3 doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngân hàng luôn theo dõi sát sao, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng cơ cấu sản xuất, chuyển đổi thị trường, đối tác.
Tăng trưởng tín dụng đến nay đạt 4,5%
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, Tổng Giám đốc TPBank thông tin lợi nhuận ngân hàng kết thúc quý I/2025 là 2.008 tỷ đồng, đã tăng 15% so với cùng kỳ.
"Đây là một con số khả quan bởi thường quý I là mùa "trũng" của ngân hàng. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, lại vào dịp Tết Nguyên đán, đầu năm kiêng kỵ nên người dân thường không có xu hướng đi vay", ông Hưng chia sẻ.
Ông Hưng cũng cho biết, năm 2025, TPBank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15,85%, cao hơn định hướng toàn ngành và thời gian tới có thể tăng trưởng hơn nữa nên ngân hàng không quá lo lắng về câu chuyện thiếu room tín dụng trong năm nay.
Cập nhật đến ngày 31/3/2025, tăng trưởng tín dụng của TPBank đã đạt 3,6%, cao hơn so với mức tăng trưởng toàn ngành là 2,5%. Và cập nhật đến thời điểm gần đây nhất, con số tăng trưởng này đã lên đến 4,5%.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank phát biểu tại Đại hội.
Dư nợ tín dụng của ngân hàng phần lớn tập trung vào sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực cho vay tiêu dùng của người dân như mua nhà mua xe… Còn đối với các dự án lớn, dự án bất động sản chưa rõ ràng về hướng phát triển, ngân hàng cho vay tương đối thận trọng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo định hướng, an toàn.
Phát biểu về việc TPBank có biện pháp chiến lược gì để duy trì biên lợi nhuận NIM, tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm như hiện nay, ông Hưng chia sẻthời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng lãi suất huy động.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng đã bị NHNN phê bình vì đi ngược chủ trương, bởi lãi suất huy động là cơ sở cho lãi suất cho vay. NHNN cũng đang giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Hiện nay, lãi suất cho vay có xu hướng ngày càng hạ, chưa kể bên cạnh đó là các chương trình cho vay ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, cho vay người trẻ mua nhà,...
"Để duy trì hoặc tăng NIM, TPBank sẽ cố gắng cải thiện chi phí vốn, tăng CASA và có cơ cấu vốn hợp lý. Thực tế, ngân hàng phải tuân thủ rất nhiều chỉ số. Chúng tôi có thể huy động vốn ngắn hạn để chi phí rẻ, nhưng còn ràng buộc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Bộ chỉ số mà ngân hàng tuân thủ rất phức tạp. Do đó, ngân hàng sẽ cố gắng cân đối làm thế nào để hài hòa đủ hiệu quả", lãnh đạo TPBank nói.
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú thông tin về cổ đông nước ngoài của ngân hàng.
Khi được cổ đông hỏi về kế hoạch mời cổ đông chiến lược nước ngoài để tăng vốn điều lệ ngân hàng, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết, hiện ngân hàng đangkín "room" tín dụng nước ngoài. "Nếu được Ngân hàng Nhà chấp thuận nước tăng tỉ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài, tôi tin TPBank là ngân hàng có sức hấp dẫn với NĐT nước ngoài", ông Phú bày tỏ.