Sớm sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trong phiên thảo luận sáng 24.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25.12.2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sang giai đoạn mới thực chất, hiệu quả hơn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Sáng nay, tiếp tục Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công được tăng cường

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai, quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra)…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ, năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ (với 28 luật, 24 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 18 dự án luật); tập trung tối đa nguồn lực cho việc rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tranh thủ tối đa cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 185 Nghị định, 329 Nghị quyết, 1.846 Quyết định, 47 Chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành 35 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 và 69 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ xác định công tác phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên; ban hành nhiều văn bản để thực hiện kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.

Chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2024 được điều hành chủ động, linh hoạt. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện tốt từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước cơ bản chặt chẽ, hiệu quả; thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên và các khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công được tăng cường, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện điều chuyển số vốn chưa được phân bổ, vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn, góp phần quan trọng vào kết quả tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có nhiều tiến triển, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18.1.2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng 1,8 lần so với năm 2023, nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội có sự thay đổi tích cực…

Chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực đối với tài sản công sau sáp nhập

Cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tiếp tục khơi thông nguồn lực, rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả; thực hiện tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai; dự án nào không triển khai được thì thực hiện thu hồi…

Trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải chú trọng quản lý tài chính, tài sản công, nhất là với trụ sở tài sản công sau sáp nhập, phải làm sao chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đưa vào sử dụng hợp lý, hiệu quả.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Các tồn tại, bất cập, hạn chế các năm trước dần được khắc phục; ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực nâng lên một bước.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn bất cập, hạn chế như: việc lập chương trình, báo cáo kết quả thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, thiếu; một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ chậm sửa đổi; tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất còn chậm; tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra; vẫn còn tình trạng các công trình chậm đưa vào sử dụng, dự án vướng mắc chậm tháo gỡ, xử lý, gây lãng phí đất đai, nguồn lực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ làm rõ hơn các nguyên nhân gắn với các nội dung của Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; cụ thể hóa hơn giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25.12.2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sang giai đoạn mới thực chất, hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu khắc phục tình trạng dự toán chưa chính xác, phân bổ dự toán chậm, chuyển nguồn cao, đặc biệt công tác chuẩn bị đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, giảm chi ngân sách; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi ngân sách, chi phí cho người dân và doanh nghiệp gắn liền với chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý nhà nước.

H.Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/som-sua-doi-luat-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-post411287.html
Zalo