Vùng biên mùa hoa nở

Những chiếc lá cuối Đông lác đác nằm nghiêng mình dưới gốc bàng.

Đường lên bản Kim mây mù giăng kín. Ảnh: Hồng Nhung.

Đường lên bản Kim mây mù giăng kín. Ảnh: Hồng Nhung.

Cái lạnh trộn lẫn vào lớp sương mù dày đặc quẩn quanh sân trường khiến mấy cô cậu học trò bé nhỏ bản Kim vẫn còn ngồi co ro trong lớp. Nhưng xa kia, những chiếc hoa nhỏ xinh đung đưa trong gió khoe đủ màu như trẩy hội, báo hiệu mùa Xuân sắp về.

Sân trường yên ắng, tiếng thầy cô giảng bài từ các lớp vọng ra xuyên không đến tận những chiếc lá bàng phe phẩy trong làn gió thoảng và cả đám hoa cánh bướm tỏa sắc đung đưa chờ đợi nàng Xuân về.

Mặc dù được che chắn bởi những ngôi nhà hai tầng kết thành hình chữ U nhưng loài hoa cánh bướm hay còn gọi là hoa sao nhái ấy không tránh khỏi những luồng gió Đông và lớp sương mù luồn lách dưới thân gầy mỏng manh. Hoa vẫn khoe đủ sắc: Xanh của lá, vàng cam hồng của hoa và cả mùi hương nồng nàn từ thuở xa xưa vọng lại.

Khi gặp bản giao hưởng gió Đông, hoa lung lay điệu múa tung sắc rộn ràng. Vùng bản Kim lựa chọn loài hoa sao nhái với thân hình mảnh khảnh, đa màu trồng trên lớp đất đỏ cằn cỗi như một biểu tượng của người dân vùng biên cương.

Sắc hoa màu vàng thể hiện sự năng động, tích cực, lạc quan yêu đời. Cúc bướm đỏ mang lại sự may mắn, những điều tốt lành. Sắc hồng dịu dàng, mềm mại, giản đơn nhưng sang trọng… Nói làm sao hết đằng sau vẻ đẹp của loài hoa ấy, chỉ biết có ai đó đã dựa vào nét đẹp của chúng để thêu dệt những câu chuyện vừa chân thực vừa hư ảo.

Vùng biên cương, bốn mùa thông reo gió rít, bản nhạc Xuân - Hạ - Thu - Đông vun vén xây đắp những mối tình đẹp, lãng mạn và nên duyên vợ chồng cho bao thầy cô dám dành cả tuổi thanh xuân gieo mầm con chữ để rồi vẽ nên một bức tranh đầy thơ mộng về ngôi trường bản Kim.

Ngày mới thành lập, trường nằm gieo neo dưới chân núi, bốn bề rừng rậm âm u, thỉnh thoảng có tiếng gầm rú của động vật hoang dã, dân cư thưa thớt. Thầy cô và các em học sinh đến trường trên con đường đất đỏ nhão nhầy sau mưa bằng xe đạp xộc xệch không phanh.

Nắng Hè đen sạm làn da, Đông về rét cắt thịt, dáng hình thầy cô hao gầy nhưng không vì thế họ từ bỏ mối tình dạy học xứ bản Kim. Mối tình vợ chồng, mối tình với học trò cho họ sự tích cực, lạc quan, yêu đời và yêu nghề cho đến khi hạ viên phấn cuối cùng về nghỉ hưu.

Biết bao lứa học trò đã trở thành những người có ích cho xã hội, có những học trò sau thời gian miệt mài đèn sách nơi giảng đường đại học lại trở về dạy học ngay chính ngôi trường ngày xưa của mình; có những học trò có điều kiện kinh tế lại góp một phần nhỏ vào xây dựng trường ngày càng đẹp hơn.

 Nhà trường khen thưởng những học sinh đạt giải học sinh gioỉi các môn văn hóa cấp huyện. Ảnh: Hồng Nhung.

Nhà trường khen thưởng những học sinh đạt giải học sinh gioỉi các môn văn hóa cấp huyện. Ảnh: Hồng Nhung.

Họ là minh chứng sống, là những bông hoa màu vàng tuyệt đẹp luôn lạc quan yêu đời, giản dị giữa chốn rừng thiêng nước độc. Bởi đối với họ dù có khó khăn khắc nghiệt đến đâu cũng luôn có niềm tin về sự may mắn, những điều tốt lành sẽ đến như những cánh sao nhái đỏ kia.

Người trong làng vẫn còn truyền cho nhau nghe chuyện tảo hôn trên bản. Con gái vùng bản Kim sau khi học xong trung học cơ sở có thể về lập gia đình theo sự chỉ dẫn của phụ huynh. Đối với họ, học chỉ cần biết vài con chữ để sau này biết tính toán bán buôn và viết giấy ghi nợ.

Lấy vợ lấy chồng chưa đủ tuổi xảy ra thường xuyên, lại có chuyện kết hôn cận huyết thống. Các thầy cô đành phải lặn lội hơn mười cây số, trèo đèo lội suối đến tận nhà để phân tích, tuyên truyền và động viên gia đình các em hiểu hơn về luật hôn nhân và hậu quả của nạn tảo hôn.

Cũng từ đây, các em đủ dũng khí ước mơ bay cao bay xa đến một vùng đất mới khám phá cái đẹp và tỏa sáng. Và rồi người ta lại ví thầy cô và học sinh như những loài hoa cánh bướm kia: Mỏng manh, giản đơn và đầy kiêu hãnh.

Cứ chiều về, bóng dáng thầy lom khom xới từng tảng đất cằn cỗi, băm vằm, trộn phân và rãi lên đó những hạt hoa bé xíu. Cô học trò bé nhỏ hồn nhiên hỏi: “Hoa bé thế kia làm sao mọc lên tươi tốt và ra hoa được thầy ơi?”.

Trong câu hỏi vu vơ của cô học trò nhỏ ngỡ tưởng phần nào mất hết niềm tin về cuộc sống, về tương lai. Nhưng được sự giải thích của người thầy tâm huyết, cô học trò thấu hiểu rằng: Sự nỗ lực quyết tâm không mệt mỏi sẽ chiến thắng những khó khăn thử thách để giành lấy sự sống và thành công.

 Mùa hoa cánh bướm (hoa sao nhái). Ảnh: Trần Thị Huế.

Mùa hoa cánh bướm (hoa sao nhái). Ảnh: Trần Thị Huế.

Cũng từ đây, học sinh nhận thức được ý nghĩa của loài hoa cánh bướm và hiểu được vì sao năm nào đến dịp đầu năm học các thầy cô lại miệt mài đào xới lớp đất đá để gieo lên đó những bông hoa rực rỡ một góc sân trường kéo dài từ Đông sang Xuân.

Học sinh Sơn Kim như những bông hoa kia, nhiều em có hoàn cảnh gia đình gặp muôn vàn khó khăn, con đường đến trường vất vả nhưng vẫn cố gắng vươn lên đơm bông giữa biển lớn những cuộc thi.

Đó là những bông hoa học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là bông hoa tỏa sáng giữa bầu trời Hà Nội trong cuộc thi viết về thầy cô, là bông hoa sáng tạo khoa học kỹ thuật vươn về cấp tỉnh… Chỉ là những bông hoa rực rỡ ngày Đông năm nay, còn những năm khác làm sao đếm xuể.

Cứ ngỡ vùng rừng núi biên cương chỉ có sương mù, rừng rú, đất đai cằn cỗi và các em học sinh luôn chùn bước trước những khó khăn kia. Nhưng các em đã vươn lên tỏa sáng, mang vinh quang về cho xứ bản Kim.

Hoa sao nhái về trên bản Kim - hoa mời gọi tâm hồn thi sĩ, đôi mắt thần họa sĩ và trái tim yêu trò của thầy cô - khoe sắc rực rỡ. Để rồi mỗi dịp đón Xuân sang, họ lại quây quần ngồi kể cho nhau nghe về câu chuyện hoa nở trên bản Kim như đưa ta lạc vào thế giới cổ tích diệu kỳ.

Nguyễn Thị Hồng Nhung (Giáo viên Trường THCS Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vung-bien-mua-hoa-no-post715237.html
Zalo