Hương vị Tết ở thủ phủ 'bò một nắng' Krông Pa
Khi thị trường Tết sôi động, cũng là khi thủ phủ 'thịt bò một nắng' Krông Pa, tỉnh Gia Lai đậm đà hương vị Tết. Từ món ăn dân dã của đồng bào Jarai, đặc sản này đã vươn xa khỏi vùng 'chảo lửa' Krông Pa, trở thành thực phẩm Tết và quà Tết, được nhiều người ưa chuộng.
Ghé thăm cơ sở sản xuất bò một nắng Tuấn Hậu tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai những ngày này, chúng tôi bắt gặp những giàn phơi thịt bò trên cao, nơi có thể đón trọn ánh nắng vàng của đất Tây Nguyên. Từ chủ cơ sở đến nhân công đều hối hả trong các công đoạn, để có sản phẩm tươi ngon “đúng điệu” bò một nắng Krông Pa cho Tết Nguyên đán. Những miếng thịt bò bằng bàn tay được cơ sở này lựa từ phần tươi ngon nhất của bò, có thớ dài, không pha mỡ, sau khi tẩm ướp khoảng 60 phút với gia vị đặc trưng (chủ yếu gồm muối, hành, tỏi, ớt xiêm và sả), sẽ được đem phơi trên giàn từ 3- 4 giờ đồng hồ.
Chị Hoàng Thị Minh Châu, một người con xa quê thường xuyên mua bò một nắng làm quà Tết, tâm đắc: “Tôi rất thích ăn bò một nắng ở Krông Pa, Gia Lai, vì bò ở đây có vị ngọt tự nhiên, thơm ngon, săn chắc, được phơi với nhiệt độ nắng rất cao, ăn có vị đặc trưng riêng. Hằng năm gần tết là tôi thường mua mấy cân về làm quà cho người thân".
Ông Trần Quang Tuấn, Chủ cơ sở Tuấn Hậu cho biết, mỗi ngày nắng đẹp, ông phơi được hai mẻ, từ 9 gờ đến 12:00 và từ 12:00 đến 15:00. Ông Tuấn cho biết, từ một món ăn dân dã của bà con dân tộc Jarai tại chỗ, thịt bò một nắng Krông Pa bây giờ đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
“Sản phẩm này bắt nguồn từ món ăn dân dã của người Jarai, từ đó chúng tôi dùng làm món ăn cho khách hàng. Chúng tôi sao tẩm gia vị theo đặc biệt của gia đình, chứ không chung với trên thị trường, riêng biệt như vậy. Mỗi một kì có tổ chức hội về các sản phẩm của người nông dân làm ra thì gia đình có tham gia. Có hội chợ mới đến thì mình sẽ tích cực tham gia để quảng bá những sản phẩm này đến người tiêu dùng được tốt hơn", ông Trần Quang Tuấn nói.
Từ món ăn dân dã, thịt bò một nắng giờ trở thành một mặt hàng có sản lượng ngày càng lớn ở huyện Krông Pa, với nhiều hộ tham gia sản xuất, xây dựng được những thương hiệu uy tín và được chứng nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.
Bà Hồ Thị Mười, Chủ cơ sở Mười Đức thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa đã có kinh nghiệm gần 30 năm sản xuất, chế biến bò một nắng. Theo bà Mười, mỗi ngày, cơ sở của bà chế biến khoảng 50kg thịt bò tươi. Thời điểm gần Tết Nguyên đán như hiện nay, có ngày làm 5 đến 7 tạ thịt bò để cung cấp cho các đại lý, mang về nguồn thu đáng kể.
“Hiện nay, gia đình sản phẩm của gia đình đã được 3 sao huyện cấp và sắp tới huyện cũng có đề xuất tăng lên 4 sao. Vì sức khỏe của người tiêu dùng, chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu", bà Mười nói.
Bò một nắng bây giờ không chỉ là sản vật của vùng “chảo lửa” Krông Pa. Nhiều quán ăn, nhà hàng ở Gia Lai đã đưa sản phẩm vào thực đơn để chiêu đãi khách, là đặc sản có thương hiệu mạnh của các cơ sở kinh doanh.
Theo chị Lê Hòa, chủ Shop "Nông trang Foods" tại thành phố Pleiku, từ đầu tháng Chạp mỗi năm, khách hàng khắp cả nước lại đặt mua bò một nắng làm quà Tết.
“Những năm gần đây thì thịt bò một nắng ngày càng được nhiều người quan tâm bởi đây là món ăn ngon và khá độc lạ, nhờ hương vị có chút gì đó rất Tây Nguyên nên nhiều người đến Gia Lai đã tìm mua và bị thuyết phục. Là cửa hàng chuyên bán đặc sản Tây Nguyên thì ngay từ đầu tháng 11 Âm lịch năm thì Shop đã có các khách hàng ngoài tỉnh đặt những đơn hàng làm quà tết để tặng, biếu cho anh em bạn bè và người thân. Với sự kết nối giao thương tương đối thuận lợi như hiện nay thì việc bán hàng đưa món đặc sản như thịt bò một nắng thì tôi nghĩ rất có tiềm năng, nhất là vào những thời điểm dịp lễ, Tết", chị Hòa chia sẻ.
Với tổng đàn bò hơn 64.000 con, Krông Pa đang phát huy tốt lợi thế về nguồn nguyên liệu chất lượng. Toàn huyện hiện có khoảng 30 cơ sở sản xuất thịt bò một nắng. Đáng chú ý, trong tổng số 29 sản phẩm OCOP của huyện, có tới 20 sản phẩm được chế biến từ thịt bò như bò khô sợi, bò khô miếng, sườn bò một nắng, bò gác bếp.
Ông Võ Ngọc Châu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chia sẻ: “Hằng năm, huyện cũng cử các chủ thể OCOP đi tham gia quảng bá thương hiệu trên địa bàn, ngoài tỉnh và các tỉnh, thành. Mục đích của việc này nhằm giới thiệu thương hiệu và quảng bá sản phẩm của thịt bò một nắng Krông Pa đến với những nơi khác. Để phát triển bền vững, huyện có định hướng hỗ trợ kỹ thuật sơ chế hiện đại để nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường và phát triển liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ".
Từ món ăn dân dã của người Jarai, thịt bò một nắng Krông Pa đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Khi Tết đến Xuân về, hương vị đậm đà của món ngon này lại càng thêm ý nghĩa, như một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng đất Tây Nguyên.