Vui đón lễ hội Mường Lập
Khi thời khắc của một năm cũ sắp qua đi cũng là lúc mọi người hào hứng chờ đón một năm mới với bao ước vọng về hạnh phúc. Thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) những ngày này, người dân đang luyện tập những câu hát, trang trí cho cây bông để đón lễ hội Mường Lập.
![Để đón tết và lễ hội Mường Lập, người dân thôn Lập Thắng đã vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_25_361_51333012/71a8b220746f9d31c47e.jpg)
Để đón tết và lễ hội Mường Lập, người dân thôn Lập Thắng đã vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm.
Nằm cách trung tâm huyện Ngọc Lặc khoảng 10km là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập. Thôn có 144 hộ/692 nhân khẩu.
Lập Thắng hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng. Đến đây mọi người có thể tham quan hang Gió, đồi Hích, thác Khe Cha, hang Quăn cùng nhiều dãy núi cao hùng vĩ... Người Mường ở Lập Thắng hiện còn lưu giữ được hơn 100 nếp nhà sàn truyền thống cùng nhiều giá trị văn hóa Mường đậm nét như: trang phục, ẩm thực, cồng chiêng, các trò chơi dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân tộc Mường...
Năm 2022, năm của niềm vui lớn với người dân thôn Lập Thắng vì lễ hội Mường Lập vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chọn là lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số để tổ chức bảo tồn, phục dựng. Lễ hội Mường Lập cổ gắn với nghi thức tâm linh thờ Thành hoàng làng và Khai hạ của đồng bào dân tộc Mường diễn ra tại không gian đền Mường Lập - đền thờ Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Thành Hoàng và khu vực trung tâm vùng Mường Lập (nay là thôn Lập Thắng).
Chính lễ được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. Vì vậy, ngày Tết Nguyên đán được kéo dài hơn, trong men rượu chếnh choáng hòa cùng không khí vui tươi, đầm ấm, thắm đượm tình người, những điệu hát múa rộn vang khắp núi đồi, con ngõ. Sau đêm mùng 6 thực hiện nghi thức lấy nước tắm kiệu, từ sáng sớm mùng 7, đoàn rước kiệu đi phát lộc đầu năm, dâng các mâm lễ lên Thành hoàng làng, cầu chúc cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, no ấm.
![Cồng chiêng là báu vật của đồng bào dân tộc Mường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_25_361_51333012/7da0bd287b679239cb76.jpg)
Cồng chiêng là báu vật của đồng bào dân tộc Mường.
Để chuẩn bị cho lễ hội Mường Lập, anh Phạm Văn Tuất, Bí thư Chi bộ thôn Lập Thắng đã tổ chức cuộc họp phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận. Gần 70 người đã được huy động để biểu diễn các tiết mục. Trong đó, thôn đã chọn ra 5 nam thanh niên và 5 thiếu nữ sẽ vác ống vèo đến giếng cổ đêm mùng 6 tháng Giêng lấy nước tắm kiệu. Ngoài ra, các đội tế lễ được lựa chọn từ những người có uy tín, đội khiêng kiệu là những người có sức khỏe... Anh Tuất cho biết: “Dù lễ hội Mường Lập năm 2025 chỉ diễn ra ở quy mô cấp xã nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị cẩn thận các phần việc”.
Đặc biệt, lễ hội không thể thiếu những người như bà Oanh, bà Kế... Là đội trưởng đội văn nghệ thôn, bà Phạm Thị Oanh vui vẻ nói với chúng tôi: "Người Lập Thắng từ xa xưa uống nước mó, nên lời ăn, tiếng nói, câu xường thật ngọt ngào. Hầu như gia đình nào cũng có cồng chiêng. Chiêng là báu vật gia truyền, từ đời này giữ gìn sang đời khác, nhà ít có một, hai chiếc, nhà nhiều có đủ cả bộ, nhà dư dả còn sắm bộ cồng chiêng làm “hồi môn” cho con. Làng có lễ hội thì cùng nhau nhảy Pồn Pôông; gặp gỡ khách đến nhà lại “trao” nhau câu xường chào thân mật".
Từ nhỏ được nghe mẹ hát ru, khi lập gia đình bà Oanh lại hát ru cho con, cho cháu vì thế mà “máu văn nghệ” ngấm tận sâu trong huyết mạch. Đặc biệt, kể từ khi được tham gia lớp truyền dạy văn hóa truyền thống do Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng chỉ bảo, bà Oanh càng yêu hơn văn hóa Mường. Gần 60 tuổi nhưng ngày nào bà cũng tập hát, tập múa, tập đánh trống... Đặc biệt, kể từ khi huyện Ngọc Lặc triển khai Đề án: “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025” thì bà lại càng say mê tập luyện để phục vụ khách du lịch tốt hơn.
Là người duy nhất trong thôn Lập Thắng có thể hát sắc bùa, nói xường, hát đang, bà máy Phạm Thị Kế năm nay cũng gần 60 tuổi. Bà Kế cho biết: "Trong lễ hội không thể thiếu hát phường chúc (đi chúc tết); múa Pồn Pôông, đi vác nước khiêng kiệu. Dẫu trải qua nhiều biến động, không ít giá trị văn hóa đã bị mai một nhưng chúng tôi vẫn thường nói với những người trẻ trong thôn rằng, con người có gốc rễ, người Mường mà không biết nói tiếng Mường, không biết hát xường thì thật đáng tiếc. Trách nhiệm trao truyền là của thế hệ chúng tôi, nhưng lưu giữ được thì lại phải dựa vào người trẻ".
![Theo chân phường chúc, mọi người trao quà, thăm hỏi các gia đình trong thôn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_25_361_51333012/0502cb8a0dc5e49bbdd4.jpg)
Theo chân phường chúc, mọi người trao quà, thăm hỏi các gia đình trong thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lập Lê Thị Vân khẳng định: "Lễ hội Mường Lập được Bộ VH,TT&DL chọn là lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022 để bảo tồn là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền Nhân dân các dân tộc xã Thạch Lập. Đồng thời, cũng là trách nhiệm lớn lao của địa phương trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với xây dựng làng du lịch cộng đồng Lập Thắng trở thành điểm đến du lịch lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế".
Đến nay, ở thôn Lập Thắng có hơn 10 hộ gia đình đăng ký làm du lịch cộng đồng. Nhờ đó, không chỉ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống.
Chỉ còn rất ít ngày nữa là Lễ hội Mường Lập diễn ra, nhưng với người dân thôn Lập Thắng, không khí xuân đã tràn ngập khắp nơi. “Chúc cho ông trên đụn/ Bà trên nhà/ Hết năm cũ đã qua/ Bước sang năm mới/ Làm nên ăn, giàu có/ Cơm kho, lọ tiếng/ Con cái vương trưởng/ Muốn gì được nấy...”, câu hát sắc bùa ngọt ngào ấy sẽ tỏa lan từ nhà nọ qua nhà kia.