Vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại quận Long Biên: Thực đơn bữa tiệc có những món gì?

Tới sáng 21/12, 5 bệnh nhân nặng nhất trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại quận Long Biên bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, 9 bệnh nhân còn lại đã cải thiện tốt và rất ít khả năng diễn biến nặng lên.

Chiều 21/12, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết 14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại một nhà hàng ở quận Long Biên (Hà Nội) chuyển vào Trung tâm Chống độc đêm 19 và ngày 20/12 đang được khẩn trương, tích cực cứu chữa, đảm bảo tối đa sức khỏe và tính mạng.

Đây là 14 trong số 80 người cùng tham gia tiệc liên hoan hội nghị tại một nhà hàng ở Hà Nội.

Bữa tiệc gồm có đồ uống là: rượu trắng nhà hàng; rượu công ty; rượu khách hàng tự mang tới và các món: salad rong biển trứng cá; súp hải sản với nấm; gà quay mật ong; cá diêu hồng hấp hành nấm; canh cá nấu chua; bắp bò hầm ngũ vị ăn kèm bánh mì; cải chíp xào sốt nấm; cơm rang thập cẩm; chè hạt sen long nhãn dừa tươi.

Trước đó, bữa phụ có trà; cà phê; bánh nho cuộn; bánh ngọt pháp; bánh pizza hawaii; hoa quả tươi.

Sau khi dự tiệc bữa chính, từ khoảng 15 giờ đến 22 giờ (hầu hết sau ăn uống quá 6 giờ), các bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy (mức độ ít nhưng rất mệt).

Đặc biệt, khi nghe tin có 2 người tử vong, một số người khác nhập viện ngay từ đêm 19/12, những người này đã liên hệ với nhau, cùng đến Trung tâm Chống độc để kiểm tra, điều trị.

Theo các bác sỹ: 14 bệnh nhân tiếp nhận tại đơn vị có các biểu hiện mức độ ngộ độc khác nhau: Rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài); thần kinh (đau đầu, một số ca có nói sảng, rối loạn ý thức); duy tuần hoàn; rối loạn toan chuyển hóa tăng cao lactat.

Có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy, trong đó 2 ca được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực, Trung tâm Cấp cứu để giảm tải.

Chín ca còn lại thì chỉ có 2 ca nhẹ, còn lại 7 ca đều trong tình trạng trung bình hoặc nặng.

Tất cả các bệnh nhân đã và đang được theo dõi sát, đánh giá kỹ, bao gồm đánh giá chức năng tim mạch, huyết động, lấy mẫu máu, nước tiểu, phân để tìm các chất độc, vi trùng gây bệnh.

Các mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời cũng được gửi tới Viện Pháp Y Quốc gia, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngay đêm 20/12, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội chẩn toàn viện với nhiều chuyên khoa khác nhau để ra phương án đánh giá, chẩn đoán và điều trị tối đa cho các bệnh nhân.

Qua theo dõi nhiều lần, các kết quả xét nghiệm và đáp ứng điều trị, diễn biến của các bệnh nhân cho thấy, tình trạng nổi bật của các bệnh nhân là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa tăng cao lactat, tổn thương cơ tim nhẹ kèm ức chế cơ tim, giãn mạch ngoại biên.

Kết quả xét nghiệm PCR phân tại Bệnh viện có thấy trong số 5 mẫu thì có 4 mẫu phát hiện thấy các type vi khuẩn E.coli gây bệnh khác nhau (E.coli gây viêm ruột - EPEC, E.coli sinh độc tố ruột - ETEC, E.coli gây ngưng kết ở ruột - EAEC) và vi khuẩn Campylobacter.

Điều này cho thấy các bệnh nhân bị nhiễm hỗn hợp nhiều loại vi khuẩn và có thể gặp thêm các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa khác.

Về xét nghiệm độc chất, tất cả 14 bệnh nhân được Trung tâm Chống độc xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với methanol và ethanol trong máu.

Các mẫu xét nghiệm độc chất khác đang chờ kết quả từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm và Viện Pháp Y Quốc gia.

Tất cả các bệnh nhân đã và đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp cấp cứu, hồi sức, thở ô xy, lọc máu, thở máy và kháng sinh phổ rộng kết hợp.

Tới sáng 21/12, năm bệnh nhân nặng nhất ở tình trạng nguy kịch bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, 9 bệnh nhân còn lại đã cải thiện tốt và rất ít khả năng diễn biến nặng lên.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, với các đặc điểm phức tạp, nặng nề và cấp tính của các ca bệnh vẫn rất cần theo dõi sát, đánh giá tiếp.

"Có thể nói, các vụ việc ngộ độc trên người rất phức tạp và không có vụ nào giống với vụ nào. Các cơ quan chức năng, kể cả những cá nhân, tập thể liên quan cũng cần phối hợp, hợp tác rất tích cực, đầy đủ, cụ thể để xác định được đúng nguồn gốc, căn nguyên của vấn đề. Điều này không những rất cần để cứu sống các nạn nhân, còn giúp cải thiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm," Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vu-nghi-ngo-doc-thuc-pham-tai-quan-long-bien-thuc-don-bua-tiec-co-nhung-mon-gi-post1003430.vnp
Zalo