Điều phối viên 115 hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại cứu bé ngưng tim

Trong lúc chờ xe cấp cứu, người thân của bệnh nhi đã được điều phối viên Trung tâm Cấp cứu 115 hướng dẫn ép ngực qua video call.

Ngày 30-12, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết đội ngũ điều phối viên của tổng đài 115 vừa cứu sống 1 bé gái 11 tháng tuổi bị ngưng tim nhờ hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại.

Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, người nhà vẫn được điều phối viên Trung tâm Cấp cứu 115 (TP HCM) hướng dẫn ép ngực cho bé liên tục qua video call.

Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, người nhà vẫn được điều phối viên Trung tâm Cấp cứu 115 (TP HCM) hướng dẫn ép ngực cho bé liên tục qua video call.

Vào tối 29-12, tổng đài 115 nhận cuộc gọi khẩn cấp từ người thân của một bé gái ở TP Thủ Đức, khi bé bất tỉnh và tím tái sau khi ho, sặc và ngừng thở trong lúc ăn cháo cá. Người gọi hoảng loạn, nhưng sau khi được điều phối viên trấn an, các thông tin về tình trạng bệnh nhân được thu thập và xác định bé có dấu hiệu ngừng tim.

Ngay lập tức, điều phối viên hướng dẫn người nhà thực hiện các bước ép ngực qua điện thoại, đồng thời điều phối một ekip cấp cứu từ trạm vệ sinh Bệnh viện TP Thủ Đức đến hiện trường. Trong lúc chờ xe cấp cứu, người thân bé tiếp tục được hướng dẫn ép ngực qua video call.

Nhân viên tổng đài hướng dẫn người thân nạn nhân qua video call

Nhân viên tổng đài hướng dẫn người thân nạn nhân qua video call

Nhờ sự sơ cứu kịp thời, khi kíp cấp cứu đến, bé đã có mạch và huyết áp ổn định. Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, các chỉ số sinh tồn của bé được ghi nhận: mạch 100 lần/phút, huyết áp 80/50 mmHg, nhịp thở 26 lần/phút và SpO2 97%. Bé được chẩn đoán hóc dị vật (thức ăn).

Theo bác sĩ Long, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận trung bình khoảng 70 ca ngừng tim ngoài hiện trường mỗi tháng. Trong những tình huống như vậy, việc ép ngực ngay lập tức là rất quan trọng để duy trì tuần hoàn máu, thực hiện bởi người chứng kiến đầu tiên trước khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, việc thực hiện ép ngực trước khi nhân viên cấp cứu đến có thể nâng cao khả năng sống sót của bệnh nhân ngưng tim gấp hai đến 3 lần.

T-CPR (Hồi sinh tim phổi qua thiết bị viễn thông) là một biện pháp can thiệp quan trọng trong cứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoài bệnh viện. Để nâng cao hiệu quả cấp cứu, UBND TP HCM đã ban hành đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp đến năm 2030. Đề án này bao gồm việc nâng cấp hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu, triển khai video call và T-CPR. Mục tiêu là giúp duy trì kết nối với người bệnh, hướng dẫn sơ cứu kịp thời, và nâng cao tỉ lệ thành công trong công tác cấp cứu.

Hiện nay, ngành y tế TP HCM và Trung tâm Cấp cứu 115 đang triển khai các kế hoạch cụ thể để phát triển hệ thống cấp cứu, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hóa công tác cứu hộ, phục vụ tốt hơn nhu cầu cấp cứu của người dân.

Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dieu-phoi-vien-115-huong-dan-so-cuu-qua-dien-thoai-cuu-be-ngung-tim-19624123014154439.htm
Zalo