Vụ 20 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột: Phòng ngừa ra sao?
Theo BS. Lê Văn Thiệu, các loại diệt chuột hiện nay rất độc đối với con người song lại có hình thức hấp dẫn nên trẻ em dễ nghĩ là kẹo dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc.
Trước đó, theo thông tin từ UBND huyện Tam Đường, vào khoảng 8 giờ ngày 5/11, tại lớp mầm non 25 - 36 tháng tuổi của Trường Mầm non xã Giang Ma, huyện Tam Đường (Lai Châu) có 20 trẻ và có 2 giáo viên phụ trách trong lớp.
Đến khoảng 8 giờ 30 phút, giáo viên phát hiện một số trẻ đang cầm trên tay các viên thuốc màu hồng nghi là thuốc diệt chuột sinh học. Do nghi ngờ trẻ có thể đã sử dụng nên giáo viên đã liên hệ với nhân viên Trạm Y tế xã và đưa tổng số 20 trẻ xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được khám, theo dõi và điều trị.
Sau khi được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua thăm khám có 2/20 trẻ có biểu hiện đau bụng buồn nôn nghi là đã ăn thuốc diệt chuột. Còn các trẻ khác có biểu biện bình thường và vẫn đang theo dõi.
Hiện mẫu dịch của 20 trẻ đã được gửi về Trung ương làm xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cũng đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai điều trị trực tuyến và Bệnh viện Bạch Mai đã cử 6 bác sĩ trực tiếp lên Lai Châu để điều trị cho các trẻ nghi ngờ bị ngộ độc đảm bảo an toàn nhất.
Phòng ngừa nguy cơ ngộ độc đối với trẻ em
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS. Lê Văn Thiệu (Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, ngộ độc thuốc diệt chuột là tình trạng độc chất của thuốc diệt chuột tác động đến cơ quan mục tiêu (thần kinh, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, tiêu hóa, da,…) hoặc ảnh hưởng gây độc (gây ung thư, đột biến, tổn thương tạng,…).
Các biểu hiện nổi bật khi ngộ độc thuốc diệt chuột có thể nhận biết bao gồm:
Thần kinh: Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, kích thích, khó chịu, giãy giụa, ảo giác, cuối cùng co giật, hôn mê, đồng tử giãn.
Tim mạch: Mạch nhanh, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim.
Hô hấp: Cảm giác bó chặt ngực, ho, khó thở, tím, phù phổi cấp do tim (tổn thương cơ tim, suy tim cấp), phù phổi cấp không do tim (tổn thương thành mạch, tổn thương phổi do khí phosphine) hoặc cả hai, ARDS, chảy máu phổi.
Tiêu hóa: Bệnh nhân đau rát miệng, họng, thực quản, dạ dày; nôn và nôn ra máu, đi ngoài lỏng và có thể có máu.
Da, niêm mạc: Chất độc tiếp xúc qua da, niêm mạc có thể gây kích ứng tại chỗ...
Đáng nói, theo BS. Lê Văn Thiệu, các loại diệt chuột hiện nay rất độc đối với con người song lại có hình thức hấp dẫn nên trẻ em dễ nghĩ là kẹo dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Theo Hiệp hội các Trung tâm Chống độc của Mỹ, năm ngoái có hơn 50.000 trẻ em dưới 6 tuổi ở nước này đã bị ngộ độc do ăn phải bả chuột.
Để phòng ngừa ngộ độc thuốc chuột, nhất đối với trẻ em, BS. Thiệu khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Ưu tiên phương pháp diệt chuột bằng bẫy. Chỉ mua hóa chất diệt chuột có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở cửa hàng kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký.
Sử dụng hóa chất diệt chuột (làm bả, đặt bả chuột) cần cách xa hẳn nơi ở, ăn uống và trẻ em không thể với tới hoặc mở ra được. Đặc biệt, gia đình có trẻ em, người bệnh tâm thần hoặc hội chứng lú lẫn không nên để các hóa chất độc trong khuôn viên nhà ở.
Không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm thuốc diệt chuột tại gia đình.
Bảo quản đồ ăn cẩn thận, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, đậy kín thùng rác, bịt kín các lỗ hổng trong nhà,… để tránh chuột bò đến.
Các bước sơ cứu cần thiết khi ngộ độc thuốc chuột
Bên cạnh đó, BS. Thiệu cũng cho biết các bước để sơ cấp cứu khẩn cấp khi khi phát hiện người ngộ độc thuốc diệt chuột như sau:
Bước 1: Quan sát nạn nhân để xác định ngộ độc với thuốc diệt chuột qua các dấu hiệu như hơi thở mùi hôi hóa chất, khó nói, khó thở,… Và xác định qua chai, vỏ thuốc gần đó (nếu có).
Bước 2: Đưa nạn nhân đến khu vực an toàn.
Bước 3: Thực hiện sơ cứu đơn giản nếu có kiến thức về sơ cứu ngộ độc thuốc diệt chuột.
Bước 4: Nếu nạn nhân tỉnh táo cần thu thập thông tin, chụp hình hoặc mang theo loại thuốc diệt chuột.
Bước 5: Gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
Dựa trên tình trạng và đường tiếp xúc với thuốc diệt chuột để thực hiện sơ cấp cứu phù hợp:
Uống thuốc diệt chuột: Nếu nạn nhân có dấu hiệu nôn, hãy nghiêng đầu sang một bên để tránh nghẹn. Sau khi sơ cấp cứu nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Ngoài ra, không được tự ý gây nôn nếu nạn nhân lờ đờ, hôn mê hay co giật hoặc không rõ về cơ chế của thuốc diệt chuột ( Natri fluoroacetat và fluoroacetamid không gây nôn vì có nguy cơ co giật; Phosphua kẽm, phosphua nhôm không được gây nôn và rửa dạ dày tại bệnh viện,…)
Dính thuốc chuột vào da hoặc quần áo: Cần cởi bỏ quần áo và rửa sạch ngay lập tức trong vòng 15 – 20 phút.
Dính thuốc diệt chuột vào mắt: Nên rửa mắt (khi đang mở) bằng nước sạch trong 15 – 20 phút, rửa kính áp tròng 5 phút (nếu có).
Sau bước sơ cứu ban đầu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời. Tránh kéo dài thời gian, gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng…
Ngoài ra, khi sơ cấp cứu ngộ độc thuốc diệt chuột, người nhà bệnh nhân cũng nên ghi nhớ tên hóa chất trên bao bì, túi đựng hoặc chai lọ. Việc này giúp bác sĩ xác định chính xác hóa chất nhanh hơn, sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu kịp thời.
Ghi nhớ số lượng, thời gian tiếp xúc hóa chất và triệu chứng, biểu hiện ngộ độc ban đầu. Không cho bất cứ thứ gì vào miệng nếu nạn nhân bất tỉnh.
Không sử dụng bất kỳ loại thuốc giải độc nào. Quan sát chất nôn, giữ lại vào một lọ gửi xét nghiệm…