Với vô vàn thông tin trên internet, làm thế nào để giữ chân độc giả?

Sự bùng nổ thông tin trên internet ngày nay là một thách thức khổng lồ. Theo cách hiểu đơn giản của kinh tế học, nguồn cung (nội dung trực tuyến) ngày càng tăng nhanh, trong khi nhu cầu (sự chú ý của người dùng) lại có xu hướng giữ nguyên hoặc thậm chí giảm. Với khối lượng khổng lồ nội dung cạnh tranh để thu hút sự chú ý có hạn của người dùng, các tổ chức báo chí cần tìm cách mang lại giá trị thực sự cho cho độc giả nếu muốn phát triển bền vững.

Cuộc đua không hồi kết: Cạnh tranh sự chú ý

Cuộc cạnh tranh giành sự chú ý đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, nhất là khi số lượng nội dung do AI tạo ra không ngừng gia tăng, làm tăng thêm nguồn cung vốn đã rất lớn. Chỉ riêng trên YouTube, Facebook, Twitter/X và các nền tảng khác, mỗi phút trôi qua lại có khoảng 80.000 phút nội dung mới được đăng tải.

 Sự bùng nổ thông tin trên internet là một thách thức khổng lồ đối với các tòa soạn. Ảnh: GI

Sự bùng nổ thông tin trên internet là một thách thức khổng lồ đối với các tòa soạn. Ảnh: GI

Số liệu này chưa bao gồm tất cả các nền tảng, nhưng đã đủ để thấy rằng, với mỗi phút trôi qua, hàng triệu nội dung mới được tạo ra, khiến các tòa soạn truyền thống như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal và các hãng tin địa phương chỉ như “hạt muối trong đại dương”. Các công ty trong những ngành khác, như trò chơi điện tử, điện ảnh, phát trực tuyến, cũng đang tranh giành sự chú ý của người tiêu dùng, tạo ra một cuộc chiến liên ngành mà trong đó các tổ chức tin tức toàn cầu chỉ là một bên tham gia.

Hệ quả của việc sản xuất quá nhiều nội dung là lợi nhuận của các nhà xuất bản đang bị thu hẹp. Một số nhà xuất bản đã chuyển hướng sang sử dụng các nội dung giật gân hoặc lạm dụng thuật toán để “câu view”. Tác động tiêu cực của nội dung giật gân đã ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào các nhà báo và tòa soạn. Sự suy giảm lòng tin này đặc biệt nghiêm trọng đối với các kênh tin tức độc lập, vốn có nguồn lực hạn chế.

Khó khăn của nhà xuất bản và sự thay đổi trong nhu cầu độc giả

Trong một thế giới số hóa ngày càng phát triển với vô vàn lựa chọn, các nhà xuất bản phải đối mặt với thực tế rằng độc giả không còn coi nội dung của họ là duy nhất. Điều này khiến nhiều chuyên gia báo chí bắt đầu nhận thức được sự cần thiết phải khen thưởng độc giả vì đã chọn tương tác với nội dung của họ thay vì tìm kiếm ở những nơi khác.

Hiện nay, phần thưởng lớn nhất mà độc giả có thể nhận được khi tiêu thụ thông tin qua các trang web tin tức là việc truy cập miễn phí vào tin tức (tất nhiên), hoặc trong trường hợp hiếm hoi, có thể nhận được một món quà nhỏ như túi xách. Tuy nhiên, các mạng xã hội, vốn được coi là đối thủ cạnh tranh của các tòa soạn, không chỉ cung cấp thông tin mà còn mở ra cơ hội bình luận và tương tác với người khác ở quy mô rất lớn, điều mà các tòa soạn truyền thông khó có thể làm được, dù là về chất lượng hay số lượng.

 Sự tràn lan của tin tức khiến báo chí càng phải chất lượng hơn để giữ chân độc giả. Ảnh: Parking

Sự tràn lan của tin tức khiến báo chí càng phải chất lượng hơn để giữ chân độc giả. Ảnh: Parking

Nhu cầu của độc giả: Nhiều hơn cả tin tức

Trong khi nhiều người cho rằng công chúng chỉ cần tin tức đơn thuần từ các phương tiện truyền thông, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Nghiên cứu lâu dài trong lĩnh vực truyền thông đã chỉ ra rằng, khi đọc tin tức, độc giả không chỉ đơn giản là muốn nắm bắt sự thật. Từ những năm 1940, nhà khoa học Bernard Berelson đã chỉ ra rằng việc đọc báo mang lại cho cư dân New York cảm giác kết nối và đồng hành. Các nghiên cứu tiếp theo chỉ ra rằng tin tức không chỉ đáp ứng nhu cầu về thông tin mà còn cung cấp những công dụng khác, chẳng hạn như giải trí và sự thoát ly.

Ngày nay, các tổ chức truyền thông ngày càng nhận ra sự đa dạng trong nhu cầu của người đọc. Chẳng hạn, đài BBC đã phát triển các công cụ như “mô hình nhu cầu người dùng” (User Needs Model) để phân loại và cấu trúc nội dung sao cho phù hợp với nhu cầu của từng độc giả. Mô hình này chia nhu cầu của người dùng thành các nhóm như “cập nhật cho tôi”, “giáo dục tôi” hay “cho tôi góc nhìn”, cho phép các tòa soạn hiểu rõ hơn về những gì độc giả mong muốn.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho thấy nhu cầu quan trọng nhất đối với người dùng là thông tin giúp họ “hiểu biết” và “cập nhật” về thế giới xung quanh (chiếm 65%). Những nhu cầu này đặc biệt quan trọng ở những nơi có tự do báo chí cao, nơi công chúng tìm kiếm tin tức để hiểu rõ hơn về các vấn đề phức tạp và tìm kiếm những góc nhìn đa chiều.

Mặc dù vậy, nhu cầu về giải trí và cảm xúc cũng rất quan trọng đối với một bộ phận không nhỏ người dùng, đặc biệt là những người trẻ và những người ít tiếp cận tin tức chính thống.

Khoảng cách giữa nhu cầu và thực tế

Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà các tổ chức truyền thông đang phải đối mặt là khoảng cách giữa những gì người dùng mong muốn và những gì họ nhận được. Theo Chỉ số ưu tiên nhu cầu người dùng, ưu tiên hàng đầu của công chúng đối với các phương tiện truyền thông là giúp họ hiểu rõ hơn về các sự kiện, cụ thể là cung cấp những góc nhìn khác nhau.

Điều này đặc biệt rõ ràng ở các quốc gia có tự do báo chí cao, nơi người dân có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn và tiếp cận các quan điểm đa chiều. Trong khi đó, ở các quốc gia có tự do báo chí thấp hơn, người dân chủ yếu tìm kiếm thông tin cơ bản để hiểu được tình hình.

Cuối cùng, điều quan trọng là các tòa soạn phải hiểu rằng độc giả không chỉ tìm kiếm sự thật thuần túy mà còn muốn có thông tin đa dạng đáp ứng các nhu cầu khác nhau, từ việc cập nhật tin tức, giáo dục, cho đến giải trí và cảm xúc.

Sử dụng các công cụ để tăng sự tương tác với độc giả

Trong bối cảnh đó, thế giới báo chí đang cần phải có sự hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo, để thu hút độc giả quay lại với nội dung báo chí, giữ chân độc giả và khiến độc giả tiếp tục quay lại trong tương lai.

DigInThere là một ví dụ trong số đó. Đây là một dự án từ học bổng RJI, là nỗ lực kết hợp nhiều phương pháp khác nhau thành một công cụ dễ sử dụng, mang lại lợi ích rõ ràng và có thể đo lường cho cả các tòa soạn và độc giả. Công cụ miễn phí này giúp các tòa soạn tự động, tùy chỉnh và xác minh việc thưởng cho độc giả khi họ đọc và tương tác có ý nghĩa với nội dung qua các câu đố ngắn liên quan đến tin tức. Độc giả có thể nhận nhiều phần thưởng khác nhau như hàng hóa hoặc vé tham gia sự kiện trực tiếp, khi họ dành sự chú ý liên tục cho nội dung đó, được đánh giá thông qua các câu đố. Nhờ đó, độc giả được khuyến khích tiếp tục tương tác với nội dung.

Việc sử dụng các công cụ như DigInThere không chỉ giúp các tòa soạn duy trì sự cạnh tranh mà còn tạo ra cơ hội để giữ chân độc giả, khuyến khích họ quay lại với nội dung có giá trị. Trong một thế giới mà thông tin ngày càng tràn ngập, những tổ chức báo chí biết cách hiểu và đáp ứng nhu cầu của độc giả sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn.

Hoài Phương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/voi-vo-van-thong-tin-tren-internet-lam-the-nao-de-giu-chan-doc-gia-post328135.html
Zalo