Nghị định 147: tăng 'hàng rào' bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Trẻ em sử dụng Internet là điều rất phổ biến hiện nay. Song, ở độ tuổi này, các em thường ít được trang bị những kỹ năng 'tự vệ' trên môi trường mạng. Nghị định 147/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới, trong đó, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là một điểm nhấn đáng chú ý.

Nghị định 147 có những điểm mới nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh minh họa

Nghị định 147 có những điểm mới nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh minh họa

Quy định chặt chẽ khi trẻ em sử dụng mạng Internet

So với các nghị định trước đây, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024 đã có nhiều điểm mới. Trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi không được tạo tài khoản mạng xã hội; người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày là các quy định góp phần bảo vệ trẻ em trước không gian mạng.

Theo chuyên gia bảo vệ trẻ em nhận định, các quy định trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP cho thấy bước tiến lớn trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể về quy định quản lý thời gian chơi game đối với người dưới 18 tuổi. Trẻ dưới 18 tuổi sẽ không được chơi quá 60 phút/ngày đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi.

Nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị, với tần suất 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi. Tài khoản người chơi cũng phải được xác thực bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi game.

Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp game, doanh nghiệp cho thuê máy chủ, chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp Internet phải phối hợp triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi.

Đặc biệt, người chơi dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập. Ngoài ra, Nghị định cũng yêu cầu trẻ em (dưới 16 tuổi) không được tạo tài khoản mạng xã hội…

Hà Nội: bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng

Theo thống kê, trẻ em chiếm 1/3 số người dùng Internet toàn cầu. Trẻ em sử dụng mạng Internet cho nhiều mục đích, bao gồm học tập, giải trí, và giao lưu bạn bè. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nhiều nguy cơ trực tuyến, như xâm hại tình dục, bắt nạt trực tuyến, tiếp xúc với nội dung độc hại, và lừa đảo.

Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, tỷ lệ trẻ em sử dụng Internet rất cao. Theo đó, số lượng báo cáo về hình ảnh xâm hại trẻ em trực tuyến cũng rất đáng lo ngại. Thực tế này cho thấy, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Đặc biệt, là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, những năm 2019 - 2021, khiến trẻ em dành nhiều thời gian hơn trên mạng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã quyết liệt triển khai thực hiện việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên địa bàn Thành phố tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Trong đó, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Dựa trên hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, TP Hà Nội chú trọng việc phối hợp liên ngành giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương để đảm bảo hiệu quả công tác về các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

Theo đó, UBND TP giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, thực hiện rà soát, phát hiện các thông tin độc hại trên môi trường mạng để xử lý kịp thời các thông tin không phù hợp, không có lợi cho trẻ em.

Cùng với đó, tham mưu UBND TP thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, thông tin có ảnh hưởng đến trẻ em trên không gian mạng…

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghi-dinh-147-tang-hang-rao-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang.html
Zalo