VN-Index được dự báo tiếp tục tích lũy với biên độ hẹp
Trong tháng 2/2025, VN-Index vẫn tiếp tục duy trì quá trình tích lũy trung hạn trong biên độ hẹp dần trong vùng giá 1.230 - 1.240, điểm đến 1.280 - 1.300 điểm.
VN-Index vẫn tiếp tục quá trình tích lũy trung hạn
Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán SHS nhận định, trong tháng 1/2025, VN-Index tiếp tục quá trình tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng giá 1.230 - 1.240 điểm đến 1.280 - 1.300 điểm kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay. Kết thúc tháng 1, VN-Index duy trì xu hướng tăng trưởng trung dài hạn, cũng như duy trì trên đường hỗ trợ tâm lý mạnh, giá trung bình 200 phiên. Ở thời điểm hiện tại, nên chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy kéo dài hiện nay.
Hiện tại thị trường vẫn đang nhận được nhiều thông tin hỗ trợ điển hình như nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, kỳ vọng tăng trưởng trung bình lớn hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025-2030. Lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt. Các thông tin tích cực khác đến từ kỳ vọng nâng hạng thị trường cũng như vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế, GDP.
![SHS: VN-Index tiếp tục tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng giá 1.220 điểm - 1.270 điểm. Ảnh: Thủy Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_35_51456318/ad3c5ec3698d80d3d99c.jpg)
SHS: VN-Index tiếp tục tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng giá 1.220 điểm - 1.270 điểm. Ảnh: Thủy Anh
Tuy nhiên, SHS chỉ ra một số yếu tố bất định vẫn duy trì như nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới. Tỉ lệ dư nợ vay ký quỹ ở mức cao, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Nhóm phân tích dự báo, trong tháng 2/2025 VN-Index vẫn tiếp tục duy trì quá trình tích lũy trung hạn trong biên độ hẹp dần tại vùng giá 1.230-1.240 điểm đến 1.280-1.300 điểm.
Trong ngắn hạn, việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn khó kỳ vọng cao khi thị trường chung, chỉ số VN-Index liên tục biến động trên vùng hỗ trợ, tâm lý khá quan trọng.
"Nhà đầu tư nên chú ý các tác động của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong thời gian tới có thể gây áp lực tâm lý và tỷ giá cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam để xem xét cơ cấu danh mục hợp lý. Trường hợp tỷ trọng cao, ở các mã có tính chất đầu cơ cao trong giai đoạn vừa qua cần xem xét tiếp tục giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế”, SHS nhận định.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_35_51456318/3209c2f6f5b81ce645a9.jpg)
Nhìn lại tháng 1, VN-Index tiếp tục quá trình tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng giá 1.220 - 1.270 điểm, trong kênh tích lũy trung hạn 1.200 - 1.300 điểm kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay. Kết thúc tháng 1/2025, VN-Index duy trì xu hướng tăng trưởng trung dài hạn, cũng như duy trì trên đường hỗ trợ tâm lý mạnh, giá trung bình 200 phiên.
Dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh trong tháng 1/2025. Ngoại trừ nhóm xây dựng và vật liệu (tăng 4,3% so với tháng trước) phản ánh xu hướng và dòng tiền tăng khá tích cực ở các cổ phiếu đầu tư công - xây dựng, vật liệu xây dựng; tất cả các nhóm ngành khác đều có thanh khoản giảm khá mạnh trong kỳ.
Một số cổ phiếu được khuyến nghị dài hạn năm 2025
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng áp lực bán ròng. Trong tháng 1/2025, khối ngoại tăng quy mô bán ròng mạnh với giá trị -7.055 tỷ đồng. Trong đó bán ròng tại HOSE với giá trị -6.468,1 tỷ đồng (182,2% MoM), bán ròng trên HNX với giá trị -86,3 tỷ đồng (-43,9% MoM). Tiếp tục bán ròng trên UPCOM giá trị -186,7 tỷ đồng).
Trên HOSE, trong tháng 1/2025 khối ngoại bán ròng mạnh VIC (-2.041,4 tỷ đồng), tiếp đến là FPT (-1.550,3 tỷ đồng), STB (-578,9 tỷ đồng), CTG (-424,0 tỷ đồng), SSI (-365,3 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng HDB (+404,4 tỷ đồng), LPB (+362,0 tỷ đồng), VCG (+316,9 tỷ đồng)…
Với một số thị trường khác trong khu vực, diễn biến giao dịch của khối ngoại là xu hướng bán ròng mạnh trong tháng 1/2025, với Malaysia (-702 triệu USD), Thái Lan (-330 triệu USD), Indonesia (-229 triệu USD) và Philippines (-114 triệu USD).
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_35_51456318/c48e3b710c3fe561bc2e.jpg)
Theo SHS, một số cổ phiếu đầu ngành được khuyến nghị trong tháng 2 bao gồm ACV, CTR, CTG, DGC, FPT, HPG, SIP, SSI, TCB, VTP.
Đội ngũ phân tích SHS khuyến nghị, khả quan đối với tiềm năng của cổ phiếu CTR. Là nhà thầu và đơn vị vận hành hạ tầng viễn thông hàng đầu Việt Nam, CTR sở hữu lợi thế cạnh tranh về chi phí và tận dụng tối đa lợi thế kinh doanh từ Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel.
Tại nhóm ngân hàng, SHS cho biết, Vietinbank có nhiều triển vọng tăng trưởng tín dụng khả quan và kết quả kinh doanh năm 2025 tích cực sau giai đoạn 2022-2024 tăng mạnh trích lập dự phòng. Ngoài ra, Techcombank được cho là có lợi thế vốn rẻ nhờ tỷ lệ CASA luôn duy trì trong top đầu trong nhiều năm.
SHS đánh giá, trong tháng 2/2025, VN-Index chỉ cải thiện tích cực khi vượt lên đường kháng cự trung hạn nối các vùng giá đỉnh cao kéo dài từ tháng 3/2024 đến nay. Vào thời điểm kết thúc tháng 1/2025, định giá P/E của VN-Index ở mức 14,83, thấp hơn P/E trung bình 10 năm (16,6) và trung bình 5 năm (17,1). Với mức P/E Forward 11,9 được xem là khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay.