Đột phá cơ chế cho đường sắt đô thị: Người dân hưởng lợi gì?
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV từ ngày 12 - 19/2, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Nếu được thông qua, đây sẽ là cú hích lớn tạo đột phá, không chỉ giúp rút ngắn thời gian triển khai ĐSĐT mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và nền kinh tế.
Giảm thời gian chờ ít nhất 5 năm
ĐSĐT không chỉ là phương tiện di chuyển xanh mà còn là động lực phát triển đô thị thông minh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ triển khai các dự án ĐSĐT của nước ta còn nhiều bất cập. Điển hình như: tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông (13km) mất 10 năm để hoàn thành; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (8,5km trên cao) đưa vào khai thác ngày 8/8/2024 sau gần 15 năm xây dựng; tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (20km) vận hành ngày 22/12/2024 sau 17 năm triển khai.
Những con số này cho thấy việc hoàn thiện một tuyến ĐSĐT có thể kéo dài hơn một thập kỷ. Nguyên nhân do vướng mắc thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và huy động vốn. Với cơ chế hiện hành, người dân phải chờ đợi quá lâu để được sử dụng hệ thống giao thông hiện đại, trong khi nhu cầu di chuyển bằng ĐSĐT ngày càng cấp thiết.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV từ ngày 12 - 19/2, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt gồm: Nhóm 1 về huy động nguồn vốn; Nhóm 2 về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; Nhóm 3 về phát triển mô hình TOD; Nhóm 4 về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo; Nhóm 5 về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Nhóm 6 về các chính sách áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh nhằm tạo sự tương đồng với Hà Nội.
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho rằng, nếu các cơ chế đặc thù được thông qua, thời gian xây dựng ĐSĐT có thể rút ngắn ít nhất 5 năm nhờ việc tinh gọn thủ tục hành chính, cắt giảm các bước trung gian, đơn giản hóa quy trình phê duyệt, và trao quyền chủ động hơn cho chính quyền địa phương.
![Đột phá cơ chế không chỉ giúp rút ngắn thời gian triển khai ĐSĐT mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và nền kinh tế.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51457286/112aa271953f7c61252e.jpg)
Đột phá cơ chế không chỉ giúp rút ngắn thời gian triển khai ĐSĐT mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và nền kinh tế.
Theo Dự thảo nghị quyết, sẽ cho phép dự án ĐSĐT, dự án ĐSĐT theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác.
Hai TP được tự tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án ĐSĐT, dự án ĐSĐT theo mô hình TOD mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật có liên quan, tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, áp dụng phương thức đấu thầu linh hoạt và huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau.
Việc thu hút vốn đầu tư, dự thảo nghị quyết cũng hướng tới phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, đảm bảo thống nhất quy chuẩn kỹ thuật và triển khai các chính sách ưu đãi về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Các DN nội địa sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho các dự án ĐSĐT. Những điều chỉnh này giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng, sớm đưa ĐSĐT vào hoạt động.
Tối ưu di chuyển
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chi phí xăng dầu, bảo dưỡng phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao, ĐSĐT đang trở thành một giải pháp kinh tế tối ưu, giúp người dân giảm đáng kể gánh nặng tài chính khi di chuyển. Không chỉ tiết kiệm chi phí trực tiếp như nhiên liệu, gửi xe hay bảo dưỡng, ĐSĐT còn giúp giảm các khoản chi vô hình như hao mòn phương tiện và thời gian đi lại.
Theo tính toán, chi phí để một người di chuyển bằng xe máy hàng tháng ước tính khoảng 1,1 - 1,9 triệu. Trong đó, xăng xe khoảng 6 – 8 trăm nghìn (di chuyển 20km/ngày) phí gửi xe 3 – 6 trăm nghìn, phí bảo dưỡng sửa chữa 2 – 5 trăm nghìn.
Với ô tô, chi phí hàng tháng ước tính khoảng 4,5 – 8 triệu. Trong đó, 2 - 3 triệu xăng xe, 1 - 2 triệu gửi xe, 1,3 - 3 triệu phí bảo dưỡng xe.
Ngoài ra còn phải kể đến chi phí khấu hao phương tiện như: một chiếc xe máy có giá trung bình khoảng 30 - 50 triệu, ô tô giá tối thiểu 500 triệu - 1 tỷ. Nếu tính cả tiền lãi vay mua xe (nếu có), chi phí bảo hiểm, thuế trước bạ… thì con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
Trong khi đó, ĐSĐT không yêu cầu bất kỳ khoản đầu tư ban đầu nào, chỉ cần mua vé tháng với chi phí thấp là có thể sử dụng. Chi phí di chuyển bằng ĐSĐT chỉ bằng 20 - 30% so với xe máy và chưa đến 10% so với ô tô cá nhân.
Đối với xã hội, ĐSĐT còn giúp giảm chi phí y tế do hạn chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường; giảm ùn tắc và áp lực hạ tầng giao thông, giúp người dân có thêm thời gian lao động, học tập, tăng năng suất kinh tế.
Từ đó, ĐSĐT sẽ trở thành lựa chọn tối ưu, vừa giúp tiết kiệm tài chính cá nhân, vừa góp phần phát triển giao thông bền vững, là giải pháp di chuyển tối ưu cho người dân đô thị.
Nâng cao chất lượng sống
Theo thống kê, mỗi ngày Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mất hàng triệu giờ lao động vì tắc đường. Khi ĐSĐT được hoàn thành, lượng phương tiện cá nhân giảm sẽ giúp hạn chế ùn tắc, khí thải CO2 và bụi mịn PM2.5 - những tác nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Lấy ví dụ ở các TP có hệ thống ĐSĐT phát triển như Tokyo hay London, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng chiếm trên 60%, các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam có thể đạt con số này, chất lượng sống tại đô thị sẽ được cải thiện đáng kể: ít khói bụi hơn, không gian đô thị thoáng đãng hơn, giao thông thông suốt hơn.
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, ĐSĐT không chỉ là một phương tiện giao thông, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị. Theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), việc xây dựng ĐSĐT sẽ kéo theo sự bùng nổ của thị trường bất động sản, đặc biệt tại các khu vực quanh ga tàu.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các khu vực gần tuyến ĐSĐT thường có giá trị bất động sản tăng từ 20 - 30%. Tại TP Hồ Chí Minh, giá nhà đất gần tuyến ĐSĐT số 1 đã tăng trung bình 15 - 20% chỉ trong vài năm qua. Điều này đồng nghĩa với cơ hội đầu tư lớn cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm thương mại, văn phòng, tạo ra hàng ngàn việc làm mới.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, sự phát triển của ĐSĐT sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các tập đoàn quốc tế. Bởi DN FDI thường lựa chọn các TP có hạ tầng giao thông hiện đại làm điểm đến nhằm đảm bảo khả năng di chuyển thuận tiện cho lao động và hàng hóa.
Theo khảo sát từ Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), các TP có hệ thống ĐSĐT phát triển thường thu hút dòng vốn đầu tư mạnh hơn từ 30-50% so với những nơi chưa có hạ tầng giao thông công cộng phát triển. Đây là cơ hội để Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vươn lên trở thành trung tâm tài chính, thương mại hấp dẫn trong khu vực.
Với hàng loạt lợi ích thiết thực, việc thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho ĐSĐT tại kỳ họp Quốc hội sắp tới là vô cùng quan trọng. Người dân sẽ sớm được hưởng lợi từ một hệ thống giao thông hiện đại, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, và nâng cao chất lượng sống. Đây cũng là bước đi chiến lược để đưa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành những đô thị đáng sống, văn minh, phát triển bền vững.