Tăng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

Tại Hội thảo tổng kết, định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp diễn ra giữa tháng 1/2025, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm, đặc biệt cho các tổ chức sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn.

Theo cơ quan này, cần nâng mức hỗ trợ cho cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tối đa 40-50% phí bảo hiểm nông nghiệp, thay vì mức 20% như hiện tại; mở rộng đối tượng áp dụng đối với các hộ nông dân riêng lẻ, thay vì chỉ hộ nghèo và cận nghèo với mức hỗ trợ tương xứng về phí bảo hiểm.

Đồng quan điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế mới theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm (các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương), mở rộng rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ, mở rộng địa bàn được hỗ trợ; đơn giản hóa quy trình, thủ tục phê duyệt đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm, thủ tục thanh toán, quyết toán phần phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Hiện tại, Nghị định sửa đổi đang được Bộ Tài chính nghiên cứu và sẽ sớm có văn bản lấy ý kiến rộng rãi để trình Chính phủ ban hành trong năm 2025.

Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam từng đề xuất, cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho các hộ nghèo và cận nghèo khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ít nhất là trong lần đầu tiên. Đối với các hộ nông dân khác có thể hỗ trợ lên tới 50% phí bảo hiểm nhằm khuyến khích họ tham gia bổ sung. Việc người nông dân nhận thức rõ ràng lợi ích từ bảo hiểm sẽ thúc đẩy sự tham gia ngày càng đông đảo và tạo ra làn sóng tích cực trong cộng đồng.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.

Theo ông Phạm Văn Đức - Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

Chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đang được thực hiện theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022. Theo đó, có 29 địa phương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thực hiện đến hết 31/12/2025.

Thông tin từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, từ năm 2022-2024, có khoảng 3.630 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm; tổng giá trị được bảo hiểm là 70,97 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 2,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2,3 tỷ đồng. Còn từ năm 2019 đến nay, có 4/29 địa phương triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp gồm Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang, Bình Định; có 20.261 hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm; tổng giá trị được bảo hiểm là 217,3 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 9,47 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 8,02 tỷ đồng.

Cơ quan này cũng đề nghị bỏ quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để đáp ứng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chủ động thỏa thuận về phạm vi và mức phí bảo hiểm phù hợp, kịp thời đảm bảo tính mùa vụ trong nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu, đặc trưng riêng có của từng địa phương.

Việc tăng mức phí hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tăng độ phủ cho bảo hiểm nông nghiệp, nhưng quan trọng hơn là hứa hẹn khắc phục những tồn tại khiến bảo hiểm nông nghiệp nói riêng, thị trường bảo hiểm nói chung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp cũng chiếm tỷ lệ thấp khi chỉ có 8/31 doanh nghiệp trong khối phi nhân thọ, gồm Bảo Minh, Bảo Việt, ABIC, PVI, BIC, Bảo Long, MSGI và MIC. Bởi vậy, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc như thiếu thốn dữ liệu thống kê về mức độ thiệt hại làm cơ sở xác định phí bảo hiểm; thủ tục phê duyệt đối tượng được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách chưa mang tính kịp thời…

Các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hoàn thiện và đồng bộ hành lang pháp lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo các điều kiện để được bồi thường bảo hiểm.

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tang-ho-tro-phi-bao-hiem-nong-nghiep-post363075.html
Zalo