Vitamin A rất cần cho người mắc bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể. Tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có những trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm não, viêm màng não, mù lòa...

Vitamin A rất cần cho trẻ bị bệnh sởi nhưng phải được bổ sung theo chỉ định của bác sĩ
Ngoài ra, bệnh sởi còn vô cùng nguy hiểm khi có khả năng “xóa trí nhớ miễn dịch”. Sởi có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể, khiến cho hệ thống miễn dịch của người bệnh bị phá hủy hầu như không còn và làm người bệnh dễ mắc một số bệnh lý khác. Và hậu quả này có thể kéo dài tới 3 năm.
Vì vậy, người mắc bệnh sởi trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh dù là các bệnh từng mắc trước đây. Khi mắc bệnh, nguy cơ biến chứng và tử vong cực kỳ cao. Nhóm thường bị viêm não gồm trẻ lớn, đang tuổi đi học. Sau sởi, trẻ có nguy cơ gặp các di chứng suốt đời như liệt, điếc, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn trong học tập. Ngoài ra, trẻ khỏi bệnh sởi sau nhiều tháng, nhiều năm sau có thể mắc bệnh viêm não xơ cứng bán cấp do não nhiễm virút sởi dai dẳng.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM - bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, sởi có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, khiến trẻ chậm phát triển chiều cao và cân nặng so với bạn đồng trang lứa. Ngoài ra, virút sởi còn làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng.
Vitamin A là loại thuốc mà khi trẻ bị mắc sởi thường phải dùng. Vì cơ địa của trẻ rất dễ bị thiếu vitamin A và khi trẻ bị mắc sởi sẽ làm yếu thêm hệ miễn dịch khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến mắt. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin A, một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển, cũng thường gặp ở trẻ mắc sởi, góp phần vào tình trạng chậm phát triển ở trẻ.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cũng lưu ý uống vitamin A phải theo chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý mua vitamin A uống bổ sung sẽ gây ngộ độc vitamin A, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Bộ Y tế nhận định, năm 2025 là năm thuộc chu kỳ của bệnh sởi. Thời gian tới, dịch sởi tại nước ta có nguy cơ tiếp tục gia tăng, vì vậy mọi người cẩn trọng với nguy cơ bùng phát. Tại khu vực lưu hành dịch sởi, vắc-xin phòng bệnh sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, mũi này được tính là mũi “chống dịch” (mũi sởi 0). Sau đó, trẻ vẫn tiêm ngừa theo lịch thường quy là 2 mũi vắc-xin có thành phần sởi lúc 9 tháng tuổi và sau 12 tháng tuổi.
Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm đủ ít nhất 2 mũi vắc-xin, phác đồ cách nhau 1 tháng. Phụ nữ cần tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi trước khi có kế hoạch mang thai 3 tháng để bảo vệ thai kỳ, truyền kháng thể thụ động cho con trong những tháng đầu đời./.