Khoảng trống y khoa về một hội chứng quen thuộc

Căng thẳng độc hại là một hội chứng nhiều người gặp phải. Có điều, các nghiên cứu y khoa về vấn đề này chưa toàn diện. Đây là khoảng trống gây khó khăn cho việc điều trị.

 Những người gặp chấn thương tâm lý thời thơ ấu dễ mắc chứng căng thẳng độc hại hơn khi trưởng thành. Ảnh minh họa: K.J.

Những người gặp chấn thương tâm lý thời thơ ấu dễ mắc chứng căng thẳng độc hại hơn khi trưởng thành. Ảnh minh họa: K.J.

Mặc dù thấy hài lòng với việc tiếp cận toàn diện, như những bác sĩ lần đầu nghi ngờ về hệ thống miễn dịch bị hỏng hóc đằng sau HIV/AIDS, tôi vẫn đang làm việc ở tuyến đầu y khoa. Không có (đến giờ vẫn chưa có) một bộ tiêu chí chẩn đoán hay một xét nghiệm máu rõ ràng nào cho căng thẳng độc hại, và không có loại thuốc kết hợp nào để kê đơn.

Chỉ dẫn lớn nhất cho tôi về những triệu chứng có thể liên quan đến căng thẳng độc hại là bản thân nghiên cứu ACE [1], nhưng tôi biết rằng vô số bệnh và hội chứng liên quan đến nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rốt cuộc, nếu một hệ thống phản ứng với căng thẳng bị rối loạn là nguồn cơn của vấn đề, có thể có những hệ quả sâu rộng hơn nhiều.

Một phản ứng với căng thẳng bị đứt gãy không chỉ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mà còn cả hệ miễn dịch, hoóc-môn và tim mạch nữa. Bởi vì cấu trúc gen và sinh học của mỗi người khác nhau, biểu hiện của rối loạn cũng rất đa dạng.

Đây cũng là lúc nhóm chúng tôi bị quá tải bởi những gì học được, cảm thấy như mọi thứ đều có thể liên quan đến căng thẳng độc hại. Khi nói về nó, tôi nhắc mọi người nhớ rằng điều quan trọng là họ bắt đầu với vấn đề từ đâu. Nếu chẻ nhỏ ra, vấn đề cốt lõi là phản ứng với căng thẳng bị rối loạn. Từ đó, chúng tôi đơn giản chỉ cần lần theo sợi chỉ, nhìn vào cách rối loạn ảnh hưởng đến từng hệ thống trong cơ thể.

Chúng tôi đã lựa chọn bắt đầu điều tra với hệ thống nằm ẩn bên dưới. Nếu muốn nhận diện và chữa trị những sai lệch, chúng tôi phải biết điều gì đang diễn ra ở cấp độ phân tử. Chúng tôi lại tìm đọc tài liệu và cố diễn giải nó xuống từng hệ thống, cố gắng rất nhiều để hiểu làm thế nào mà căng thẳng độc hại lại khiến các hoạt động bình thường trong cơ thể bị gián đoạn.

Dựa vào kết quả đánh giá bệnh án, dường như việc học hành chính là con chim hoàng yến trong mỏ than. Thực tế là các bệnh nhân có từ 4 điểm ACE trở lên thì có nguy cơ bị chẩn đoán có vấn đề trong học tập và hành vi cao gấp 32,6 lần, điều này đã báo hiệu cho chúng tôi rằng ACE có sức ảnh hưởng rất to lớn lên bộ não phát triển nhanh chóng của trẻ.

Tôi đã học rất nhiều về sự phát triển của não bộ trong trường y và kỳ nội trú. Tôi hiểu rằng não bộ của một đứa trẻ tạo ra hơn một triệu kết nối thần kinh mỗi giây trong những năm đầu đời. Trong kỳ nội trú, tôi cũng đã thấy tận mắt nếu tiến trình đó bị đứt gãy bởi một độc tố, một căn bệnh hay thậm chí một sang chấn thể chất, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Giờ thì chúng tôi cần hiểu các cách căng thẳng độc hại ảnh hưởng đến não bộ. Tôi thích tưởng tượng bản thân và đồng đội giống đội quân nổi loạn trong phim Chiến tranh giữa các vì sao, tìm kiếm giải pháp cho Ngôi sao Tử thần,trong trường hợp này, Ngôi sao Tử thần chính là căng thẳng độc hại.

Nếu biết Ngôi sao Tử thần này hoạt động ra sao, nghiên cứu sơ đồ của nó và tìm ra yếu điểm, chúng tôi có thể tìm ra cách ngăn chặn những tổn hại mà nó có thể gây nên.

[1] Viết tắt của Adverse childhood experiences - (ACE) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra ở tuổi vị thành niên (0-17 tuổi). Nếu không được chữa lành, những chấn thương này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.

Nadine Burke Harris/ Thái Hà Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoang-trong-y-khoa-ve-mot-hoi-chung-quen-thuoc-post1547037.html
Zalo