Vinpearl 'vượt mặt' FPT, HPG, MBB vươn lên vị trí thứ 7 vốn hóa trên HOSE

Chỉ sau 4 phiên giao dịch kể từ khi trở lại sàn HOSE, cổ phiếu VPL của Vinpearl đã ghi nhận mức tăng gần 40%, giúp doanh nghiệp này vượt qua hàng loạt 'ông lớn' như Hòa Phát, FPT, MB để vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng vốn hóa...

Phiên giao dịch cuối tuần khép lại trong sắc đỏ khi chỉ số VN-Index không thể vượt qua vùng kháng cự mạnh. Áp lực điều chỉnh diễn ra trên diện rộng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến chỉ số chính mất đi động lực tăng điểm. Kết thúc phiên ngày 16/5, VN-Index lùi về mốc 1.301,39 điểm, giảm 11,81 điểm, tương đương 0,9% so với phiên trước.

Không chỉ mất điểm, thị trường còn ghi nhận động thái quay đầu bán ròng từ khối ngoại, chấm dứt chuỗi mua ròng liên tiếp trước đó. Tổng giá trị bán ròng trong phiên lên tới 973 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu đầu ngành.

Vietcombank (VCB) là cái tên bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 420 tỷ đồng. FPT theo sau với 228 tỷ đồng, trong khi VHM và MSN cũng lần lượt bị rút ròng 189 tỷ và 103 tỷ đồng. Ngân hàng VPBank (VPB) cũng không tránh khỏi áp lực bán, bị xả khoảng 70 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, một số mã vẫn ghi nhận lực cầu ngoại tích cực. MWG trở thành cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất toàn thị trường, đạt 126 tỷ đồng. Các mã khác như HSG, TCH, MBB và NLG cũng thu hút dòng tiền ngoại với mức mua ròng từ 53 đến 96 tỷ đồng mỗi mã.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, cổ phiếu VPL của Vinpearl vẫn trở thành điểm sáng giá khi tiếp tục chuỗi tăng ấn tượng. Sau khi gần 1,8 tỷ cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 13/5, VPL đã ghi nhận ba phiên tăng trần liên tiếp.

Đến phiên 16/5, dù đà tăng hạ nhiệt, cổ phiếu này vẫn tiếp tục tăng thêm 3,83%, đạt mức 101.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch tuy giảm nhẹ so với các phiên trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt 1,1 triệu cổ phiếu.

Chỉ sau bốn phiên giao dịch, thị giá VPL đã tăng tới 37,09%, trở thành cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trên thị trường trong những phiên gần đây. Nhờ đà tăng mạnh này, vốn hóa của Vinpearl đã vọt lên 181.123 tỷ đồng, giúp công ty nhanh chóng chen chân vào top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, giữ vị trí thứ 7.

Sự bứt phá ngoạn mục của VPL còn giúp hệ sinh thái Vingroup củng cố vị thế trên bảng xếp hạng vốn hóa thị trường. Tính đến hiện tại, các doanh nghiệp thuộc “họ Vin” đang nắm giữ nhiều vị trí cao, phản ánh xu hướng dòng tiền đang quay trở lại với nhóm này.

Trên bảng xếp hạng, Vietcombank (VCB) vẫn dẫn đầu về vốn hóa với 480.451 tỷ đồng, theo sau là Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM). Vinpearl hiện xếp trên nhiều tên tuổi lớn trong ngành ngân hàng như BIDV (BID), VietinBank (CTG) hay Techcombank (TCB).

Đứng ngay sau VPL trong bảng xếp hạng là các doanh nghiệp lớn như FPT, Hòa Phát (HPG) và Ngân hàng Quân đội (MBB). Tổng vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu “họ Vin”, bao gồm cả Vincom Retail (VRE), hiện được ước tính xấp xỉ 30 tỷ USD, một con số đáng kể thể hiện sức ảnh hưởng ngày càng lớn của hệ sinh thái này trên thị trường chứng khoán.

 Diễn biến cổ phiếu VPL trong ngày hôm nay

Diễn biến cổ phiếu VPL trong ngày hôm nay

Sau hơn một thập kỷ kể từ khi rút khỏi sàn HOSE để sáp nhập vào Vingroup, Vinpearl đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh nghỉ dưỡng và giải trí. Được biết, công ty từng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM từ tháng 1/2008 nhưng đến tháng 12/2011 đã hủy niêm yết để trở thành một phần của "đế chế" Vingroup. Tính đến cuối quý 1/2025, Vingroup vẫn là cổ đông chi phối với tỷ lệ sở hữu lên tới 85,55%.

Với vị thế là một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành du lịch – nghỉ dưỡng tại Việt Nam, Vinpearl đang vận hành ba lĩnh vực kinh doanh chính gồm hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp, các công viên giải trí và sân golf, bên cạnh đó là các mảng dịch vụ bổ trợ như trung tâm hội nghị và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tính đến cuối năm 2024, mạng lưới hoạt động của Vinpearl đã mở rộng đáng kể, với tổng cộng 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, cung cấp hơn 16.100 phòng trên toàn quốc. Ngoài ra, công ty còn quản lý 12 công viên giải trí, 4 sân golf và 1 trung tâm hội nghị.

Thành quả từ sự đầu tư dài hạn và chiến lược mở rộng bài bản đã được phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh đầu năm 2025. Chỉ trong quý 1, Vinpearl đã ghi nhận doanh thu thuần từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan đạt 2.435 tỷ đồng, tăng trưởng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lợi nhuận gộp từ hoạt động này cũng tăng vọt 83%, lên mức 450 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, tổng doanh thu vận hành bao gồm cả những cơ sở do Vinpearl quản lý đạt gần 12.800 tỷ đồng trong năm 2024 và gần 3.900 tỷ đồng trong quý I/2025. So với cùng kỳ, các con số này lần lượt tăng trưởng 36% và 33%.

Trên đà tăng trưởng tích cực, năm 2025, Vinpearl đã công bố kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần cả năm đạt khoảng 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 1.700 tỷ đồng.

Với việc niêm yết thành công, Vinpearl trở thành công ty thứ tư trong hệ sinh thái Vingroup hiện diện trên sàn HoSE, bên cạnh Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE).

Sự góp mặt của VPL không chỉ tạo nên cú hích cho cổ phiếu “họ Vin” mà còn cho thấy chiến lược phát triển đồng bộ của Vingroup trong việc đưa các thành viên chủ chốt lên sàn, qua đó gia tăng sức mạnh tổng thể về tài chính, thương hiệu và tầm ảnh hưởng trên thị trường vốn.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vinpearl-vuot-mat-fpt-hpg-mbb-vuon-len-vi-tri-thu-7-von-hoa-tren-hose-post560123.html
Zalo