Vĩnh Thanh Vân: Sáp nhập để phát triển bền vững
Hôm nay ngày 1-12-2024, phường Vĩnh Thanh Vân chính thức mở rộng sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 1,18 km² và dân số 15.990 người của phường Vĩnh Bảo, theo Nghị quyết số 1247/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy hành chính, cải thiện hiệu quả quản lý và thúc đẩy sự phát triển đô thị tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Cầu 3 Tháng 2 bắc ngang con sông Kiên tại cửa biển Rạch Giá. Cầu nằm trên địa bàn phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá. Ảnh: TRUNG HIẾU
Với tổng diện tích 1,99 km² và dân số 27.429 người, phường Vĩnh Thanh Vân (mới) không chỉ là trung tâm hành chính - kinh tế - xã hội của TP. Rạch Giá mà còn là điểm nhấn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang.
1. Phường Vĩnh Thanh Vân cũ như một cù lao vuông cạnh, bốn phía là các kênh và bờ biển vây bọc. Trước khi sáp nhập, phường có diện tích tự nhiên 0,81 km² và dân số khoảng 11.439 người. Vĩnh Thanh Vân là trung tâm của một đô thị đã hình thành cách đây hàng trăm năm, vì vậy hệ thống cơ sở hạ tầng có phần cũ kỹ và lỗi thời. Trên địa bàn phường lại tập trung rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở kinh doanh hoạt động, buôn bán sôi động và sầm uất, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của TP. Rạch Giá. Tuy nhiên, do quy mô quá nhỏ về diện tích và có cấu trúc của một khu đô thị cổ nên không gian có phần bức bí, gây khó khăn trong việc quản lý, phát triển đô thị theo hướng mở và không còn phù hợp trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng gia tăng.
Phường Vĩnh Bảo có vị trí thuận lợi nằm liền kề với phường Vĩnh Thanh Vân và là trung tâm giải trí của TP. Rạch Giá. Vĩnh Bảo có diện tích 1,18 km², dân số 15.990 người, nhiều địa chỉ trở thành niềm tự hào của người dân như các trường học: Kim Đồng, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn hay chùa Tam Bảo - một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia... Dù có không gian lớn và cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh trong giai đoạn sau này, nhưng Vĩnh Bảo vẫn chưa phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh. Các khu dân cư tại đây còn khá phân tán, phân bố không đều, trong đó nhiều khu dân cư cũ khá chật chội cần được chỉnh trang để phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Việc sáp nhập Vĩnh Bảo vào Vĩnh Thanh Vân nhằm giảm bớt gánh nặng trong công tác quản lý hành chính, đồng thời là điều kiện để cả hai phường tận dụng lợi thế, hỗ trợ lẫn nhau và phát triển mạnh mẽ hơn.
Sau khi sáp nhập, phường Vĩnh Thanh Vân mới sẽ có không gian rộng lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị và triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn. Tổng diện tích 1,99 km² mang đến cơ hội lớn để Vĩnh Thanh Vân mới mở rộng các tuyến đường giao thông, đặc biệt là việc mở rộng các con hẻm nhỏ đảm bảo theo các tiêu chí của một đô thị loại I, đồng thời có điều kiện tổng hợp nguồn lực để xây dựng các công trình công cộng và phát triển các khu dân cư hiện đại. Điều này có vai trò hết sức quan trọng khi Vĩnh Thanh Vân hiện tại vẫn đảm nhiệm là phường trung tâm của TP. Rạch Giá, nơi tập trung hầu hết các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội.
2. Một trong những lợi ích rõ rệt từ việc sáp nhập là khả năng cải thiện hạ tầng đô thị. Khi nguồn lực được tập trung vào một địa bàn thống nhất, các vấn đề như quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, hệ thống thoát nước và giao thông sẽ được giải quyết hiệu quả hơn. Trước đây, Vĩnh Bảo và Vĩnh Thanh Vân đều gặp phải tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa do hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh. Với phường mới, các dự án nâng cấp hạ tầng sẽ được triển khai đồng bộ, giảm thiểu tình trạng ngập úng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Với quy mô dân số lớn hơn và diện tích rộng hơn, phường Vĩnh Thanh Vân mới sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Hiện trên địa bàn phường vẫn còn tiềm năng để triển khai các dự án thương mại, dịch vụ và khu dân cư cao cấp. Điều này không chỉ mang lại diện mạo mới cho đô thị mà còn tạo thêm điểm nhấn cho thành phố, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, quá trình sáp nhập cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là việc ổn định tổ chức và giải quyết các vấn đề phát sinh trong giai đoạn đầu. Với tổng số 29 cán bộ, công chức và 20 người hoạt động không chuyên trách, phường Vĩnh Thanh Vân mới cần phải sắp xếp lại bộ máy một cách hợp lý để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Đồng thời, việc giải quyết chế độ cho các cán bộ, công chức dôi dư cũng là một nhiệm vụ cần được thực hiện một cách thấu tình đạt lý, tránh gây tác động, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.
3. Chính quyền TP. Rạch Giá và các ngành của tỉnh Kiên Giang nỗ lực hỗ trợ Vĩnh Thanh Vân nhằm đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ. Các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu rõ lợi ích của việc sáp nhập và ủng hộ chủ trương này. Bởi sự đồng thuận của người dân chính là yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình sáp nhập. Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm và lợi ích chung, hãy sẵn sàng chung tay cùng chính quyền vượt qua những khó khăn ban đầu, nhanh chóng ổn định cuộc sống và xây dựng cộng đồng.
Việc sáp nhập phường trước tiên là sự thay đổi về địa giới hành chính, tiếp đến còn mang ý nghĩa lớn lao trong việc đặt nền móng cho một tương lai phát triển bền vững. Khi đô thị được quy hoạch đồng bộ, hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ và các dịch vụ công được cải thiện, chất lượng sống của người dân sẽ ngày càng được nâng cao. Phường Vĩnh Thanh Vân mới sẽ trở thành một địa bàn điển hình, đóng góp vào sự phát triển của TP. Rạch Giá và tạo nên một hình mẫu để các địa phương khác học tập và áp dụng.
Hãy nỗ lực để hành trình sáp nhập của phường Vĩnh Thanh Vân trở thành một câu chuyện sống động của sự thay đổi, minh chứng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân TP. Rạch Giá.